Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn nhà dài của dân tộc Cor

12:24, 25/06/2017

Theo một số người Cor lớn tuổi ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) am hiểu về phong tục - tập quán cho biết, người Cor xưa có truyền thống sống thành từng làng, dân làng ở quây quần bên nhau một chỗ.

Làng của người Cor bao giờ cũng được định vị hợp lý theo tập quán cổ truyền. Trước hết, phải tiện nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sạch; đồng thời làng phải cao ráo, thoáng đãng. Quan trọng nữa là, chỗ ở và vùng canh tác không quá xa nhau, có lợi thế để dân làng có thể khai thác rừng và đất rừng xung quanh được lâu năm. Mỗi làng người Cor thường có một ngôi nhà sàn dài, các gia đình thành viên đều sống chung trong đó. Việc làm nhà dài và sống quần tụ nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai, thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng, nhà dài cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Buổi sáng, trong căn nhà dài ấy thường phát ra tiếng kèn amap báo thức con cháu dậy sớm giã gạo, chuẩn bị cơm nước mang đi làm rẫy, vào rừng săn bắt, hái măng, lấy mật ong...

Các thiếu nữ Cor đang múa ka đấu bên mái nhà dài của người Cor tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam,  Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Các thiếu nữ Cor đang múa ka đấu bên mái nhà dài của người Cor tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Ngôi nhà dài của người Cor có mặt bằng hình chữ nhật, sườn nhà được chống đỡ bằng những hàng cột bằng gỗ tốt dày đặc, vững chắc. Sàn nhà không cao, chỉ cách mặt đất khoảng 1 mét, dài khoảng 50 - 70 mét, mỗi nhà có hai cửa chính nằm ở giữa vách ngăn đầu và cuối nhà được làm bằng tre đan dày, có nơi làm bằng gỗ tốt, chạm khắc điểm xuyết một vài hoa văn. Cửa phụ nằm ở hai bên để người nhà đi đến máng nước, sông suối cho tiện lợi. Nguyên vật liệu làm nên ngôi nhà dài truyền thống của người Cor chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, tranh. Kết cấu của nhà là cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng mưa nắng. Sàn được lót bằng phên nứa. Hướng nhà dài người Cor bao giờ cũng quay về hướng Đông Nam.  

Theo truyền thống người Cor, mỗi khi nhà dài làm xong, họ thường trang trí các gu để làm tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo nét độc đáo của ngôi nhà. Có nhiều loại gu khác nhau: Gu bla còn gọi là gu tròn, treo lửng giữa nhà; lavan là gu dẹt chỉ trang trí một mặt (gồm gu mók atưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước của ngôi nhà dài, gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp). Gu được làm từ cây gỗ bút với sớ gỗ mềm rất dễ điêu khắc hoa văn, hình vẽ trang trí. Gu nổi bật lên giữa nhà nhờ màu sắc và hoa văn. Bộ gu có nền màu đen được tạo ra từ muội khói và nhựa cây rau lang, màu đỏ gạch lấy từ củ nghệ và hạt cau, màu trắng từ vôi… Mỗi khi có gió lay động, các tua chạm nhau tạo nên tiếng reo nhẹ vui tai. Phía trên gu bla thường treo tượng chim đại bàng. Nơi treo gu tròn được xem là tâm điểm trong nhà, nơi tổ chức các lễ tế liên quan đến tín ngưỡng dân gian cũng như sinh hoạt cộng đồng. Nếu gu tròn đẹp mắt nhờ tạo hình, kiểu dáng vuông, tròn, tam giác... thì gu dẹt (Lavan) tạo nên nét quyến rũ từ những hoa văn, tranh vẽ. Loại gu này chỉ trang trí thành dải ở một mặt trước với hoa văn hình mặt trời, bông lúa, hoa lá, cỏ cây, sóng nước.

Tất cả mọi sinh hoạt của đại gia đình trong nhà dài đều diễn ra trên mặt bằng sinh hoạt của sàn nhà được chia làm 3 phần chạy theo chiều dọc của ngôi nhà. Nhà dài là nơi sinh sống của hơn một chục gia đình có cùng dòng máu. Bố trí không gian sinh hoạt, mặt bằng trong nhà dài người Cor khá hợp lý. Phần trước là nơi sinh hoạt chung của dòng họ. Giữa nhà có hành lang rộng thông thoáng nối dài từ cửa trước đến cửa sau. Hai đầu nhà đều có sàn hiên rộng, mái hạ thấp xuống. Sàn hiên phía trước để trẻ em vui chơi, người già nghỉ ngơi, ngắm cảnh, nơi người già bày trẻ nhỏ đan lát, đánh chiêng, làm nỏ để săn bắn, hát làn điệu dân ca, múa Ka đấu, nơi gặp gỡ uống rượu khi săn bắt được thú rừng. Còn mái hiên sau gắn với nếp sinh hoạt, nội trợ của phụ nữ với những vật dụng như bầu nước, gùi lúa, cối giã gạo. Một phần bên nhà, từ hành lang đến vách nhà gọi là gưl, là không gian sinh hoạt chung của cả nhà. Một bên được ngăn ra từng phòng nhỏ, người Cor gọi là tum, là nơi dành cho sinh hoạt của từng gia đình nhỏ và được bố trí một bếp lửa riêng, khách lạ không được vào. Mỗi tum ở hai vách ngăn nối tiếp, bao giờ cũng chừa một lỗ để khi có việc cần, thì có thể trao đổi thông tin cho nhau hoặc mỗi tum khi săn bắt được thú rừng, bắt được cá tôm, cua đến những bó rau dớn rừng ngon, những búp măng non… đều chia sẻ cho nhau. Nếu một trong các tum của nhà dài có chuyện xấu: phụ nữ sinh đẻ bị chết, người già qua đời, cúng tế,…thì trên vách nhà ngay bậc thang bước lên nhà bao giờ cũng treo một nhánh cây lá nháy để báo hiệu sự kiêng cữ.

Hiện nay, với sự giao thoa văn hóa, tác động của môi trường sống đến việc thay đổi về nhận thức xã hội… nên cấu trúc đại gia đình nhiều thế hệ sinh sống dưới cùng một mái nhà dài Cor bị phá vỡ, thay vào đó là những gia đình hạt nhân với ba mẹ và con cái phần lớn gia đình nhỏ từ 1 - 2 thế hệ sinh sống trong một ngôi nhà nhỏ riêng biệt. Nhằm bảo tồn vốn văn hóa các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây nguyên, trong đó có người Cor (tỉnh Quảng Ngãi) và người Cor ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), hiện nhà dài người Cor đã được phục dựng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. 

Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.