Multimedia Đọc Báo in

Về Cần Thơ, ngắm giàn gừa "khủng" và dạo chơi hồ Xáng Thổi

07:11, 08/12/2019

Đến TP. Cần Thơ, ngoài những địa danh nổi tiếng như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Thiền viện Trúc Lâm phương Nam, nhà cổ Vườn Lan…, du khách đừng bỏ qua di tích lịch sử Giàn Gừa và hồ Xáng Thổi.

Di tích Giàn Gừa thuộc ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ có từ thời chiến tranh chống Pháp. Những thân gừa, nhánh gừa to lớn, tán rộng sum suê, chồng lấn, đan xen, chằng chịt bao trùm lên một diện tích gần 3.000 m2, tạo nên một "giàn Gừa" khổng lồ.

Cây gừa thường mọc hoang ở vùng có thủy triều, dựa bờ sông suối, kênh rạch; là loài có thân gỗ, cao 15 - 20 m, có rễ phụ mọc ra từ thân và các cành trên cao. Các rễ này mọc dài ra, đâm xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng. Sau khi tiếp đất, các rễ phụ ngày càng to ra, trông như các khúc thân chống xuống đất làm cho cây thêm vững chắc.

Có thể nói đây là giàn Gừa “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Nơi đây từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân dân Cần Thơ. Giàn Gừa đã được UBND TP. Cần Thơ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố từ năm 2013. 

Hồ Xáng Thổi.
Hồ Xáng Thổi.

Qua khỏi cổng khu di tích, du khách tản bộ vài mươi mét sẽ đến giàn Gừa. Khách tham quan sẽ cảm thấy ngạc nhiên, choáng ngợp trước một giàn gừa nguyên sinh với hàng nghìn cành nhánh to nhỏ đan xen, quấn quyện vào nhau như một tấm lưới khổng lồ. Có những cành nhánh gừa còn hằn vết sẹo, u nần, dị dạng do bom pháo của quân địch trút xuống thời chiến tranh. Dù bị tàn phá nhưng với bản năng sống mãnh liệt, giàn gừa vẫn đâm chồi, nhánh phát triển mạnh mẽ vươn mình phủ bóng mát thâm u. Quan sát giàn gừa, bạn có cảm giác như trông thấy một bầy trăn khổng lồ đang cuộn, quấn mình trên một không gian u tĩnh, thơ mộng.                      

Ngoài vẻ đẹp nguyên sơ, Di tích Giàn Gừa còn lưu truyền những huyền thoại, chuyện dân gian phản ánh thời kỳ lịch sử khẩn hoang - thuở tiền nhân ta khai mở đất phương Nam. Một số người dân cố cựu ở xã Nhơn Nghĩa kể lại, vào giữa thế kỷ 19, người từ sông Tiền vượt sông Hậu đi sâu vào sông Cần Thơ đến làng Nhơn Nghĩa khai hoang, lập ấp, trong đó có dòng họ Nguyễn do “ông Cả” dẫn đầu. 

Do cần cù chịu khó, đất đai lại màu mỡ, phì nhiêu nên dòng họ Nguyễn ngày càng giàu có, đất đai được mở rộng. Một hôm, vùng này tự nhiên xảy ra sự cố hỏa hoạn khiến giàn gừa bị thiêu cháy. Làng Nhơn Nghĩa sau đó bỗng nhiên xuất hiện nhiều dịch bệnh lạ. Con cháu ông Cả Nguyễn thiệt hại khá nhiều người. Dân làng vô cùng hoang mang, lo sợ.

Lúc ấy bỗng xuất hiện thầy Bảy ở núi Sam Châu Đốc làm nghề bốc thuốc Nam đến chữa bệnh cho dân làng và khuyên mọi người nên trồng lại cây gừa. Sau khi cây gừa được trồng lại, dịch bệnh, tai ương không còn hoành hành, cuộc sống người dân trở lại bình yên. Người dân tin rằng giàn gừa là nơi cư trú, ẩn mình của các vị thánh thần uy linh nào đó, sau này mỗi khi có hữu sự, khó khăn, người ta đến đây van vái và có sự ứng nghiệm.

Con cháu họ Nguyễn tạ ơn dựng lên ngôi miếu thờ Bà Thượng động Cố Hỉ và lấy ngày 28-2 âm lịch hằng năm là ngày Vía để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trong các dịp tết, lễ hội, ở Giàn Gừa thường tổ chức múa bóng rỗi, hát bội, đàn ca tài tử, thi đấu võ thuật, cùng các trò chơi dân gian như bơi lội, đua thuyền ba lá, đi cà kheo, nhảy bao bố, bắt vịt…                                                  

Ngày nay, Giàn Gừa đã trở thành khu di tích lịch sử, một địa chỉ du lịch được nhiều du khách ghé thăm. Chung quanh Giàn Gừa có những khu vườn sinh thái cảnh quan thơ mộng, sông nước hữu tình. Sau khi tham quan, khách có thể vui thú ẩm thực với các món đặc sản nổi tiếng của Cần Thơ như: cá lóc nướng trui, lẩu mắm, bánh xèo, bánh hỏi mặt võng, ốc nướng tiêu, gà nòi hầm sả…

Hồ Xáng Thổi nằm ở trung tâm thành phố Cần Thơ thuộc phường An Cư, quận Ninh Kiều. Hồ có diện tích chừng 5 ha, có con mương lớn dài chừng 500 m thông ra rạch Cái Khế. Hồ trước đây là một ao rau muống cạn, dấu tích xưa kia thời Pháp thuộc người ta dùng xáng hút, thổi cát lên để tôn nền xây dựng khu dân cư xung quanh hồ. Hồ Xáng Thổi sau một thời gian dài hoang phế đã được nạo vét lại có công năng điều tiết nước cho khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ. Ngày nay, hồ được nâng cấp, xây dựng thành một công viên đẹp, cảnh quan thơ mộng.

Buổi sáng, bạn có thể nhàn du dạo cảnh, tập thể dục ven hồ, đi dưới những hàng cây bằng lăng hoa tím nên thơ, hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim sâu ríu rít, nhìn mặt hồ gợn sóng lăn tăn… Phía xa xa là ngôi chùa Khmer Pitu Khôsa Răngsây (chùa Sau) - một trong những ngôi chùa hoành tráng và đẹp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dạo chơi, ngắm cảnh ven hồ Xáng Thổi, bạn sẽ có cảm giác an yên, quên đi những lo toan, mệt nhọc đời thường...

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc