Multimedia Đọc Báo in

Nét độc đáo của không gian văn hóa nhà dài Êđê

20:22, 04/10/2014
Theo các nhà dân tộc học, tổ tiên của người Êđê sống trên thuyền, lênh đênh trên biển rộng sóng cả không biết bao nhiêu năm tháng, khi vào đất liền, có nơi trú ngụ yên ổn, họ nghĩ đến việc làm nhà để ở, chính vì vậy họ đã làm nên ngôi nhà với nét kiến trúc mô phỏng lại con thuyền mà trước đây mình đã từng sống. Chỉ khác ở chỗ, ngôi nhà của họ ở nơi núi rừng Tây Nguyên này có chiều dài và chiều rộng gấp nhiều lần chiếc thuyền, có sàn cao để tránh thú dữ và đề phòng thiên tai lũ lụt hằng năm, đồng thời tiện lợi cho sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Kiến trúc ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê có những đặc trưng cơ bản: Hai vách dọc thẳng theo hình dạng trên rộng dưới hẹp. Hai đầu mái nhô ra như mũi thuyền. Khung nhà có 2 hàng cột dọc, mỗi hàng có 7 cặp cột, kết cấu theo vì dọc, không theo vì kèo. Hai cột nhà chính phía trước hiên đều được chạm khắc hình cặp ngà voi, hình mặt trăng non, hình con rùa, con kỳ đà và các hoa văn khác gắn liền với bản sắc văn hóa mẫu hệ. Ngôi nhà được làm bằng nguyên liệu sẵn có của núi rừng, như: khung cột và vì dọc bằng gỗ; xương mái và sàn bằng tre nứa; vách thưng nhà bằng bương hoặc tre bổ banh đập dập; mái lợp bằng tranh.

Nhà dài Êđê có đòn nóc nằm theo hướng Bắc - Nam, cửa và cầu thang lên xuống được mở hai đầu hồi, nhằm tránh được gió Đông Bắc vào mùa khô và gió Tây Nam vào mùa mưa. Cửa trước dành cho nam giới và khách, cửa sau dành cho phụ nữ trong gia đình và trong dòng họ. Hai mái nhà dài được đặt cắt ngang đường đi của mặt trời, nên tránh được giờ nóng cao nhất trong ngày.

Cầu thang nhà dài Êđê thường có chiều rộng từ 80 cm đến 1 m, chiều cao gần 2 m, và có 7 bậc lên xuống (theo quan niệm của người Êđê số 7 là số sinh, số may mắn, số phát triển). Cầu thang được làm bằng gỗ quý, như: hương, cẩm lai, kate. Đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà dài được tạc hình mặt trăng lưỡi liềm, dưới mặt trăng là hình hai bầu vú căng tròn, tượng trưng cho nét đẹp, uy quyền và vai trò của người phụ nữ Êđê trong gia đình mẫu hệ.

Nhà dài Êđê đều có sân sàn trước và sân sàn sau. Sân sàn trước gọi là sân gah (sân khách). Nhà càng dài thì sân khách càng rộng. Phía trước sân sàn, ngay trên hai cột sàn chính tạc hình hai nồi cơm (giống như hai nồi đồng lớn), nằm hai bên cầu thang lên xuống, tượng trưng cho sự no đủ, yên vui của gia đình mẫu hệ.

Nhà dài Êđê có hai phần: Phần thứ nhất là gian khách (gọi là gah) là nơi tiếp khách và tổ chức các nghi lễ hằng năm của gia chủ; đồng thời là nơi sinh hoạt chung của mọi thành viên trong gia đình. Trong gian gah của nhà dài, các ché rượu được xếp thành dãy ở giữa (khi có lễ cúng); ghế k’pan (ghế ngồi đánh chiêng) cũng được tạc như hình chiếc thuyền, được đặt dọc sát vách bên phải nhà dài để cho các nghệ nhân khi ngồi đánh chiêng sẽ quay lưng về phía Tây, mặt quay về phía Đông (đây là một quy định đã trở thành phong tục của người Êđê từ bao đời nay). Một chiêng char (đường kính gần 1 m) được treo bên cạnh bếp lửa. Phía giáp gian ôk (cuối ghế k’pan) được đặt chiếc trống h’gơr. Trong gian gah còn trưng bày bộ chiêng k’nah gồm 10 cái và trống h’gơr (bộ chiêng này thường được đặt trên mặt ghế k’pan hoặc dưới gầm ghế). Trong gian gah nhà dài còn có djưng pô sang (ghế dành riêng cho chủ nhà), djưng tuê (ghế dùng để tiếp khách), bếp lửa, các loại ché túc, ché tang, ché pô, khung dệt, chiếu trắng, chiếu hoa các loại dùng để trải cho khách và bà con trong buôn ngồi tham dự trong các nghi lễ của gia đình, hoặc nghe kể khan (sử thi), kể truyện cổ, hát dân ca (như hát ay ray, kứt, hát m’mũin) và sinh hoạt cộng đồng.

Một ngôi nhà dài của người Êđê ở buôn Akô Dhông,  TP. Buôn Ma Thuột.      Ảnh: Hoàng Gia
Một ngôi nhà dài của người Êđê ở buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Phần thứ hai là các gian ôk (gian này dùng để ở). Gian ôk gồm nhiều buồng nhỏ cho từng hộ nhỏ trong gia đình mẫu hệ. Theo thứ tự, buồng thứ nhất (giáp gian gah) dành cho vợ chồng chủ nhà; buồng thứ hai dành cho vợ chồng cô con gái út (người thừa kế sau này); các buồng tiếp theo dành cho vợ chồng các cô gái trong gia đình. Trung bình mỗi nhà dài truyền thống có từ 5-7 cặp vợ chồng cùng chung sống với ông bà, cha mẹ. Ngoài bếp chung đặt ở gian gah, từng buồng nhỏ của mỗi cặp vợ chồng đều có bếp riêng, nhằm tạo thuận lợi cho sinh hoạt của các gia đình nhỏ trong gia đình mẫu hệ. Kho lúa được dựng ngay sau ngôi nhà dài. Sàn kho lúa thường cao hơn sàn nhà dài khoảng 30 cm.

Trước đây, nhà dài truyền thống của người Êđê thường có chiều dài khoảng 100 m trở lên. Ngày nay do ảnh hưởng của văn hóa đương đại, ảnh hưởng của đô thị hóa nông thôn… nên nhà dài truyền thống Êđê đã dần vắng bóng trong các buôn làng để nhường chỗ cho nhà hiện đại (nhà lầu, bê tông cốt thép). Theo tài liệu điều tra năm 2012 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện tại toàn tỉnh Dak Lak chỉ còn lại khoảng gần 2.000 ngôi nhà dài, nhưng mỗi ngôi nhà chỉ dài tối đa khoảng từ 30-50 m, mái nhà đã thay bằng tôn, cột, vách thưng, sàn nhà đã hư hỏng quá nửa. Cầu thang lên xuống không còn hình dáng mẫu hệ như xưa nữa mà được thay bằng cầu thang với những mảnh ván ghép lại giống như cầu thang của nhà người Lào.

Hiện nay ở Dak Lak còn một số buôn làng vẫn giữ được ngôi nhà dài truyền thống của ông cha mình để lại, cụ thể như buôn AKô Dhông, buôn K’mrơng Prông B, buôn Ky (TP. Buôn Ma Thuột); buôn Niêng I, buôn Niêng II (huyện Buôn Đôn)… Tuy vậy, hình dáng ngôi nhà dài đã được thay đổi khá nhiều: cả chiều rộng, chiều dài, cầu thang và cách bài trí trong gian gah và gian ôk không còn giữ được nét truyền thống như xưa nữa.

Nhìn chung không gian nhà dài Êđê đang đứng trước nguy cơ mai một. Trước sự tác động của đô thị hóa như hiện nay, có thể khoảng từ 5-10 năm nữa, buôn làng người Êđê sẽ vắng bóng ngôi nhà dài truyền thống. Không gian nhà dài mất đi sẽ kéo theo sự ra đi của không gian văn hóa cồng chiêng, không gian nghi lễ, lễ hội, không gian kể sử thi, không gian hát dân ca, không gian sinh hoạt cộng đồng… Ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê chính là nét độc đáo trong văn hóa vật thể, nếu để mất không gian này thì bản sắc văn hóa của người Êđê nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung sẽ không còn tồn tại như xưa nữa.      

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.