Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực nâng cao hình ảnh du lịch Đắk Lắk

08:39, 07/01/2017

Năm 2016, ngành Du lịch Đắk Lắk hoàn thành mục tiêu đón 625.000 lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 480 tỷ đồng. Đây được xem là “cú hích” cho ngành kinh tế quan trọng này tiếp tục tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Cùng nhau liên kết, thu hút du khách

Có thể nói, đạt được thành quả trên, trước hết là nhờ các doanh nghiệp (DN) làm du lịch ở đây đã biết cùng nhau liên kết, thu hút du khách đến với Đắk Lắk thông qua các hoạt động của Hiệp hội Du lịch cũng như Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh.

Ngay từ những tháng đầu năm 2016, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk đã tập hợp, kêu gọi các DN trên địa bàn tỉnh tham gia các đợt trao đổi và hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực phía Bắc và Nam bộ nhằm bàn giải pháp để phát triển ngành Du lịch địa phương. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Ủy viên Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Cứ mỗi lượt đi tiếp thị như vậy, các DN tự xây dựng nội dung, chương trình cho mình dựa trên sản phẩm có tính lợi thế cạnh tranh cao. Chẳng hạn như các đơn vị làm du lịch ở Buôn Đôn, Hồ Lắk thì ưu tiên giới thiệu về sản phẩm du lịch cưỡi voi, thám hiểm rừng già và chinh phục các ngọn thác, đỉnh núi. Còn những đơn vị làm du lịch ở Buôn Ma Thuột và các vùng trọng điểm cà phê như  Đam San, Banmeco, Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk và một số hãng lữ hành khác thì tích cực quảng bá các sản phẩm đặc thù và khá mới mẻ hơn như tour trải nghiệm với cà phê, điền dã đến các buôn làng truyền thống để được sống và sinh hoạt trong không gian văn hóa -  lịch sử của người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Hội voi Buôn Đôn luôn thu hút du khách.
Hội voi Buôn Đôn luôn thu hút du khách.

Tất nhiên, phương tiện chuyển tải “thông điệp” của từng DN làm du lịch ở Đắk Lắk đến với đối tác phụ thuộc vào điều kiện, kinh nghiệm của từng đơn vị. Song, nhìn chung qua hoạt động này thì hầu hết các DN làm du lịch đều nhận ra rằng, những dịp được ngồi lại với nhau như thế mới thấy rõ nhiều vấn đề đáng quan tâm như giá cả, thời gian và thông tin của từng tour, từng sản phẩm du lịch đặc thù mà các đơn vị kinh doanh trong khối kinh tế này mang lại.

Ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San đã tỏ ra đồng tình trước sự hợp tác, chia sẻ với nhau trên nhiều phương diện như lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh và cuối cùng là lợi nhuận mang lại. Chẳng hạn, trên địa bàn Đắk Lắk đến nay có hơn 40 công ty lữ hành, chuyên đứng ra đưa - đón, giới thiệu và phân phối lượng khách cho các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn và ngược lại. Theo ông Cơ, việc kết nối với nhau trong những hoạt động trên là rất cần thiết, bởi trước tiên giúp cho du khách chọn một điểm đến dễ dàng, thuận lợi hơn trong “quỹ thời gian” nhất định của mình. Ví dụ muốn cưỡi voi, ăn ngủ và sinh hoạt trong các gia đình người M’nông trong thời gian 1 đêm 2 ngày thì các công ty lữ hành hướng dẫn và chọn điểm đến cho du khách là khu du lịch Hồ Lắk. Còn muốn vượt rừng, thăm thú các danh thắng thì vào Buôn Đôn, Cư M’gar hay cụm thác Gia Long, Đray Nur (Krông Ana). Nếu thích trải nghiệm với văn hóa cà phê, hay các dịch vụ giải trí, mua sắm khác thì tìm đến Đam San, Banmeco… Tùy thời gian lưu trú, nhu cầu hiểu biết và cả khả năng tài chính của du khách để các DN có sự điều phối, phân bố hợp lý nhằm hướng đến mục tiêu “tối thượng” là chia sẻ lợi ích cho nhau, tạo ra bức tranh du lịch đa sắc màu, hấp dẫn mà không chồng chéo và trùng lặp.

Hoàn thiện và nâng cao cơ sở lưu trú

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Tâm Thanh khẳng định: Bên cạnh việc các DN cùng nhau liên kết, thu hút du khách vào các cụm, điểm du lịch trên địa bàn ngày càng được chú trọng và có chiều sâu hơn để tăng doanh thu, thì nhìn chung bức tranh hạ tầng, kỹ thuật phục vụ nhu cầu phát triển các dịch vụ du lịch ở Đắk Lắk, nhất là các cơ sở lưu trú ở TP. Buôn Ma Thuột đã có bước phát triển đáng kể. Nếu vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở thành phố này chỉ có 1 khách sạn (Thắng Lợi) và 7 nhà khách, nhà nghỉ với cơ sở vật chất còn tiện giản, đơn sơ… thì đến nay đã có gần 200 cơ sở lưu trú, trong đó có 60 khách sạn, 138 nhà khách, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu du khách. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ ở đây có khả năng đón tiếp khoảng 6.000 lượt khách trong cùng một thời điểm, đồng thời có đủ điều kiện để tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo và các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Theo đó, số DN tham gia hoạt động kinh doanh du lịch cũng tăng lên nhanh chóng với gần 200 DN vào thời điểm hiện nay. Số DN này ngày càng được kiện toàn, mở rộng quy mô hoạt động trên các lĩnh vực lưu trú, vận chuyển, mua sắm, lữ hành nội địa và quốc tế. Theo ông Thanh, tất cả các yếu tố tích cực, thuận lợi đó là nền tảng vững chắc để ngành Du lịch Đắk Lắk đón đầu cơ hội nhằm tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới.

Hội Lửa gắn với diễn tấu cồng chiêng tại Khu Du lịch Thanh Hà - Buôn Đôn.
Hội Lửa gắn với diễn tấu cồng chiêng tại Khu Du lịch Thanh Hà - Buôn Đôn.

 

 
Tùy thời gian lưu trú, nhu cầu hiểu biết và cả khả năng tài chính của du khách để các DN có sự điều phối, phân bố hợp lý nhằm hướng đến mục tiêu “tối thượng” là chia sẻ lợi ích cho nhau, tạo ra bức tranh du lịch đa sắc màu, hấp dẫn mà không chồng chéo và trùng lặp 
 
Ông Lê Hoàng Cơ - Công ty Du lịch - Thương mại Đam San 

Hơn thế, hầu hết DN ở đây đã tích cực và chú trọng hơn trong việc xây dựng, thiết kế sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao tại các điểm đến trên địa bàn Đắk Lắk. Ví như Công ty Du lịch văn hóa - sinh thái Bản Đôn đã và đang xúc tiến xây dựng các hạng mục mới như Vườn tượng điêu khắc dân gian; Bảo tàng tín ngưỡng dân gian của các tộc người ở Đắk Lắk với đầy đủ hiện vật (vật thể, phi vật thể) cùng nhiều mô phỏng, tái hiện sinh động các lễ nghi truyền thống độc đáo và tiêu biểu của người Êđê, M’nông bản xứ.

Còn Công ty Du lịch Thanh Hà ở Buôn Đôn cũng đang hoàn thiện một trung tâm giải trí, nghỉ dưỡng khá lý tưởng cho du khách tại thác Bảy Nhánh, bên dòng Sêrêpôk hùng vĩ với nhiều dịch vụ thú vị như câu cá, du thuyền độc mộc, vượt thác, lễ hội lửa gắn với diễn xướng cồng chiêng nhằm cải thiện hình ảnh du lịch Đắk Lắk trong mắt du khách. Hay như Công ty Du lịch - Thương mại Đam San, Khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đã nhanh nhạy đổi mới, hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách như tour trải nghiệm với cà phê, dã ngoại và nghỉ dưỡng trong không gian sinh thái, văn hóa - lịch sử của các tộc người tại chỗ…

 Có thể nói trong năm 2016, du lịch Đăk Lắk đã cho thấy rõ nét hướng phát triển đồng bộ và mạnh mẽ trên cơ sở lợi thế của vùng miền. Trong đó, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch - từ cơ sở lưu trú cho đến các tour, tuyến có sẵn trên địa bàn. Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, việc khai thác một cách có hiệu quả tài nguyên du lịch ở đây, nhất là du lịch văn hóa - sinh thái và lịch sử sẽ được các DN tiếp tục chú trọng kết hợp và phát triển theo hướng liên vùng trên cả nước, từng bước mở rộng sang các quốc gia trong khu vực nhằm nâng cao chất lượng cho ngành kinh tế quan trọng này.

                     Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.