Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về lễ hội hiện nay

10:03, 28/12/2016

Việc tổ chức, phục dựng lại một số lễ hội tiêu biểu, đặc sắc của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đang được xã hội đồng thuận và quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành nếp văn hóa ấy đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ…

Không nên vào vai  “ông bầu”(!)

Thực tế thời gian qua cho thấy không ít lễ hội bị các tổ chức, đơn vị, thậm chí là doanh nghiệp dẫn dắt, chi phối theo ý muốn của họ vì những mục đích, động cơ khác nhau khiến ý nghĩa về mặt xã hội, cộng đồng, tín ngưỡng và tâm linh trong thực hành văn hóa lễ hội không còn, hoặc biến tướng theo chiều hướng tiêu cực.

Ví như Lễ hội múa Lửa ở Buôn Đôn được tổ chức liên tục 2-3 năm qua tại Khu du lịch văn hóa - sinh thái hồ Cư Min. Trong lễ hội này hoàn toàn vắng bóng các thành viên của cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ, chỉ có “diễn viên” (là đội văn nghệ chuyên múa hát phục vụ du khách) được đơn vị kinh doanh du lịch ở đây thuê đến tham gia. Tất nhiên, một khi vì mục đích thương mại thì người ta sẵn sàng gạt bỏ đi những yếu tố văn hóa, tâm linh chứa đựng trong đó, chỉ còn lại lửa và tiếng hú hét man dại cùng những cú ngoáy mông, lắc bụng của các cô gái trong trang phục “không giống ai” được đề cao hơn cả để khách khứa dự khán có một phen “mãn nhãn” đúng nghĩa! Một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên cho rằng lễ hội này cần được dẹp bỏ, vì vô hình chung nó đưa lại cho du khách, bạn bè trong nước và quốc tế cái nhìn lệch lạc, méo mó về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa. Mượn lễ hội để kinh doanh và không ít doanh nghiệp vào vai “ông bầu” đứng ra đạo diễn tại một số tụ điểm văn hóa, khu du lịch đang là một thách thức đối với cơ quan quản lý văn hóa hiện nay. 

Bữa cơm trong Lễ hội Mừng mùa được bà con buôn Kon H’ring tổ chức  vào đầu năm mới hằng năm.
Bữa cơm trong Lễ hội Mừng mùa được bà con buôn Kon H’ring tổ chức vào đầu năm mới hằng năm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, trong hệ thống lễ hội (tâm linh cũng như mùa vụ nông nghiệp) của các dân tộc thiểu số ở đây không có lễ hội nào gọi là “múa lửa” cả! Đó là sự biến thái nguy hại nhằm câu khách của các doanh nghiệp làm du lịch, sự biến thái này hiện đang “lây lan” khắp nơi dưới vỏ bọc là “sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù” Tây Nguyên. Chẳng hạn như ở Lang Biang - Lâm Đồng, lễ hội múa Lửa được đơn vị làm du lịch tổ chức thường xuyên để phục vụ du khách - và thậm chí họ cho đây là “đặc sản” của tour du lịch này! Tương tự, ở những cụm điểm du lịch văn hóa - sinh thái như Thanh Hà - Buôn Đôn, Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch Hồ Lắk đều tổ chức lễ hội này gắn với diễn tấu cồng chiêng và múa hát dân gian lẫn hiện đại. Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân (Chi hội Văn nghệ dân gian - Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) cho rằng, thực chất đây là buổi trình diễn nghệ thuật thuần túy, chứ không thể gọi là lễ hội. Chẳng qua, trong từng thời điểm diễn ra hoạt động du lịch sôi nổi, thu hút nhiều du khách đến đây, nên các doanh nghiệp làm du lịch mới “bày đặt” ra để kinh doanh; biến chủ thể vốn văn hóa ấy thành “diễn viên” sắm vai như đạo diễn mong muốn.

Tôn trọng cộng đồng

Phải khẳng định rằng, tất thảy lễ hội của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đều đặt yếu tố cộng đồng lên hàng đầu. Cộng đồng nào thì chủ thể của lễ hội đó, nếu không tôn trọng điều đó và để họ “đứng ngoài cuộc” thì xem như văn hóa thực hành lễ hội mất đi ý nghĩa.

Do hiểu thấu đáo được vấn đề cốt lõi trên, nên vài năm trở lại đây, việc tổ chức lễ hội cho các cộng đồng đã có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Không nói đến các “ông bầu” làm lễ hội để phục vụ cho mục đích kinh doanh như đã đề cập, thì chính quyền địa phương đã không còn can thiệp sâu như trước, mà để cho cộng đồng tự quyết. Ví như ở huyện Cư M’gar, hằng năm có đến 5 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ và chủ thể trong văn hóa lễ hội ấy được phát huy tối đa, nên mỗi khi lễ hội diễn ra là dịp để cho cả cộng đồng hưởng ứng và cộng cảm. Anh A Mang, Phó phòng VH-TT huyện Cư M’gar cho hay: 3 năm nay, khi Lễ hội Mừng mùa của người Sê đăng (buôn Kon H’ring - xã Ea H’ding) mở ra (đúng ngày Tết Dương lịch), ngành văn hóa và chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ cho bà con khoản kinh phí để tổ chức, còn phương thức huy động cũng như xây dựng nội dung thực hành lễ hội cứ để cho cộng đồng đảm trách. Vì thế lễ hội này thực sự là ngày hội của mọi gia đình trong buôn. Có thể nói, không khí, sự lắng đọng và sức lan tỏa của nó được xem như một nguồn nội lực tiềm tàng, mạnh mẽ giúp cộng đồng người Sê đăng ở đây xây dựng và phát triển đời sống của mình.

Qua đó cho thấy, văn hóa nói chung (trong đó có thực hành lễ hội nói riêng) của mỗi cộng đồng dân tộc là động lực phát triển xã hội. Phải có thái độ ứng xử đúng mực với vốn văn hóa ấy nhằm không ngừng phát huy giá trị tích cực của nó là vấn đề đáng được quan tâm.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.