Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc các ngôi chùa phương Nam

11:43, 12/01/2018

Ở miền Tây Nam Bộ có những ngôi chùa rất đẹp, mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi chùa có loài sen kỳ lạ

Hiện nay, nhiều du khách tìm đến chùa Phước Kiển (còn gọi là chùa “lá sen”, chùa “sen nia” hay “sen vua”) tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) để chiêm ngưỡng tận mắt một loại sen lá có hình dáng như những chiếc nia khổng lồ. Vào mùa nước nổi, đường kính lá sen lên đến 4 m, có thể tải trọng lượng xấp xỉ 100 kg. Theo Hòa thượng Thích Huệ Từ, trụ trì chùa đã 55 năm cho biết, loài sen kỳ lạ này có thể có xuất xứ từ Nam Mỹ, nơi cư dân dùng lá sen để vận chuyển lương thực nhẹ, dễ dàng trên mặt nước…

Chùa Phước Kiển được xây dựng vào năm 1847, qua nhiều biến động của thời gian, chùa xuống cấp khá nhiều, đến năm 1962 mới được trùng tu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng; đặc biệt đây là nơi được Tỉnh đội Đồng Tháp dùng làm địa điểm sản xuất súng, đạn phục vụ chiến trường miền Nam. Trong những năm kháng chiến, người dân địa phương với hình thức đi cúng chùa nhưng thực chất mang lương thực để tiếp tế cho quân giải phóng.

Tại chùa hiện đang thờ bài vị của 34 chiến sĩ cách mạng lẫn các nhà sư yêu nước đã hy sinh tại chính ngôi chùa  này. Điều khá trùng hợp và lạ lùng hơn cả là hai hố nước do bom Mỹ bỏ xuống hủy diệt chùa năm xưa lại chính là nơi “sinh ra” loại sen kỳ diệu. Theo Hòa thượng trụ trì chùa, sen lạ được phát hiện vào năm 1992, đến năm 1998 do nguồn nước cạn kiệt, sen tưởng chừng bị tuyệt chủng nhưng không hiểu sao khi mùa nước nổi tràn về, sen lại phát triển tươi tốt hơn.

Ao sen nia ở  chùa Phước Kiển.
Ao sen nia ở chùa Phước Kiển.

Một điều kỳ lạ nữa là hoa sen rất to, nở nhiều lần trong ngày và biến đổi màu sắc khác nhau. Cụ thể, vào 18 giờ hoa nở màu trắng, mùi thơm ngào ngạt; 6 giờ sáng thì nở hoàn toàn; đúng 12 giờ trưa hoa khép lại và chuyển màu hồng; 16 giờ sen nở lần hai và có màu tím. Khi hoa nở, nhiều người dân xung quanh tranh thủ mang trà đến cạnh hoa sen để hút lấy mùi thơm rất dịu. Hoa sen nở 3 ngày rồi mới tàn. Hạt sen được gieo mầm khoảng 4 - 6 tháng sẽ tiếp tục ra hoa. Nhiều nhà khoa học đã thử mang sen nia kèm theo nước, bùn đất để trồng tại các địa phương khác nhưng sen không sống được.

Một câu chuyện cũng không kém phần kỳ lạ ở chùa Phước Kiển là chuyện “ông Quy” (rùa) về chùa ở với thầy trụ trì từ năm 1948. Năm 1968, binh biến xảy ra, chùa sơ tán khẩn cấp, rùa cũng bò ra đường tránh bom đạn. Không may, một người dân gần đó bắt được. Năm 1970, chùa được dựng lại. Không hiểu làm thế nào mà rùa lại có thể tự thoát, tìm đường về chùa. Khi gần đến chùa, nó lại bị bắt lần nữa, thầy trụ trì phải chuộc rùa về. Thế rồi nó ở hẳn trong chùa từ đó. Năm 2002, rùa chết. Thầy trụ trì ướp xác rùa, đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa. Trên mai rùa còn khắc năm vào chùa và ngày mất: 1948 – 29-7-2002. Hiện chùa còn nuôi dưỡng 3 con rùa khác có tuổi thọ khá cao: 48, 82 và 98 tuổi.

Độc đáo kiến trúc chùa Chén Kiểu

Chùa Chén Kiểu thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) là một ngôi chùa có kiến trúc rất độc đáo, mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.

Trước cổng tam quan chùa có hai con sư tử bằng đá ngồi trên một bệ cao, mặt hướng ra đường như bảo vệ ngôi chùa. Trên thành cổng có dòng chữ Khmer và chữ quốc ngữ: “Chùa Sà Lôn (Chén Kiểu)”. Bên trên đó là 3 ngôi tháp, tháp giữa cao hơn hai tháp hai bên, được chạm khắc, đắp nổi các hình tượng mang tính biểu trưng văn hóa truyền thống Khmer Nam Bộ. Trong lòng tháp giữa có một tượng Phật được bảo vệ bằng tấm kiếng.

Kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer của chùa Chén Kiểu.
Kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer của chùa Chén Kiểu.

Theo chuyện kể lại, chùa Chén Kiểu được cất bằng lá vào khoảng năm 1815 trên một nền đất rộng, có tên là “Sà Lôn”. Trong thời kỳ chiến tranh, chùa bị bom đạn làm hư hại nhiều, sau được xây cất, trùng tu lại vào năm 1969. Lúc ấy, kinh phí chùa không dồi dào lắm nên các nghệ nhân vận dụng, sáng tạo bằng cách sử dụng các mảnh vỡ chén kiểu để trang trí và từ ấy chùa có tên gọi dân gian là “Chén Kiểu” cho đến giờ.

Chùa Chén Kiểu có khuôn viên rộng gần 2 ha với nhiều cây xanh, hoa kiểng, bóng mát, đa phần là các cây họ sao, dầu, mét cổ thụ… Dạo chơi trong khuôn viên chùa, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn thư thái. Đặc biệt, du khách không khỏi ngạc nhiên, thán phục khi chiêm ngưỡng các kiến trúc độc đáo nơi chính điện, sa la, cột cờ. Nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le; ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer như Nagar, Apsara… Mái trên hình tam giác được trang trí đẹp như tấm thảm nhiều màu sắc nổi bật giữa không gian thoáng đãng, yên bình. Hai đầu đao ở hai bên nóc cong vút lên trời. Mặt sau chính điện là một mảng tường được đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ trông rất đẹp mắt và sắc sảo, thể hiện sự tài hoa  của các nghệ nhân Khmer xưa  đã  tạo tác ra một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Chính điện chùa rộng rãi, thoáng mát, với 16 hàng cột to; quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết Khmer. Hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể câu chuyện đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo. Gian thờ là một quần thể gồm 20 tượng Phật lớn nhỏ, với nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, được bố trí hợp lý, đầy tính mỹ thuật. Khói hương nghi ngút, ánh sáng của các ngọn nến lắt lay  làm cho không khí trong chùa luôn mang vẻ tôn nghiêm, u tịnh.

Trên tầng gác của nhà khách chùa hiện còn lưu giữ chiếc giường ngủ của gia đình “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy. Trong những năm chiến tranh chống Pháp, công tử Huy đã gửi ở chùa chiếc giường độc đáo này. Giường được chạm trổ rất công phu và cẩn khảm xà cừ rất tinh xảo bởi những người thợ đến từ xứ Huế. 

Với những nét độc đáo như thế, chùa Chén Kiểu để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với du khách đến tham quan. 

Anh Thư – Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.