Multimedia Đọc Báo in

Có dòng nhạc mang tên Tây Nguyên

08:38, 10/02/2018

Tây Nguyên được mệnh danh là “miền mơ tưởng”, luôn để lại ấn tượng sâu đậm cho bất kỳ ai đã đến đây. Nhất là giới văn nghệ sĩ, thì vùng đất này có sức quyến rũ lạ kỳ, để từ đó họ cảm nhận và sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật để đời, trong đó có âm nhạc gắn liền với tên tuổi của nhiều nhạc sĩ trong khu vực và cả nước.

Khơi nguồn dòng chảy…

Có thể nói, Tây Nguyên được biết đến một cách đầy đủ và toàn diện nhất kể từ sau ngày thống nhất đất nước vào năm 1975. Từ thời điểm đó, giới văn nghệ sĩ nói riêng mới có điều kiện và cơ hội đặt chân lên mảnh đất này để trải nghiệm và sáng tác. Tuy nhiên, trước đó khá lâu - sau cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước, Tây Nguyên đã hiện lên và đi vào lòng người yêu âm nhạc thông qua tác phẩm của một số nhạc sĩ người dân tộc thiểu số tại chỗ (tập kết ra Bắc), cũng như nhiều người ở những vùng miền khác nhau trong cả nước. Ví như nhạc phẩm “Đợi chờ” của Nhật Lai, “Đêm thao thức” - Kpă Púi, “Ca ngợi Anh hùng Núp” - Trần Quý, “Cô gái vót chông” - Hoàng Hiệp, “Bóng cây Kơ nia”- Phan Huỳnh Điều (phổ thơ của Ngọc Anh) và “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của Lê Lôi - Kpă Y Lăng…Những ca khúc ấy nhanh chóng chiếm được tình cảm yêu mến và có vị trí xứng đáng trong lòng công chúng nhờ giọng hát được ví như họa mi của núi rừng Tây Nguyên là Kim Nhớ, H’Ben, A Đam Đài Son.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường (người đội mũ) cùng anh em văn nghệ sĩ lên Tây Nguyên thực tế sáng tác.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (người đội mũ) cùng anh em văn nghệ sĩ lên Tây Nguyên thực tế sáng tác.

Tất cả những nghệ sĩ trên đã có công khơi nguồn dòng chảy âm nhạc mang tên Tây Nguyên. Và cứ thế sau đó, các thế hệ nhạc sĩ được học hành, đào tạo bài bản như Ama Nô, Nhật Lai, Đức Minh, Đỗ Nhuận, Xuân Hòa... tiếp tục làm cho dòng âm nhạc này tuôn trào và lan tỏa mạnh mẽ hơn trong lòng công chúng. Đặc biệt, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, âm nhạc Tây Nguyên nổi lên “hiện tượng Nguyễn Cường” với một loạt ca khúc đậm chất hoang dã, núi rừng: “Ơi M’Đrắk”, “Em muốn sống bên anh trọn đời”, “H’Zen lên rẫy”, “Em hát thương ai”, “Thềnh thềnh oh ơi”, “Còn thương nhau về Buôn Ma Thuột”, “Đôi mắt Plei Ku”…. và đã trở nên thành danh nhờ giọng ca của nghệ sĩ Y Moan, Siu Blăk, Ngọc Khuê. Nhiều người cho rằng, vào thời điểm này, âm nhạc Tây Nguyên gắn với Nguyễn Cường - và chính nhạc sĩ ấy đã đẩy dòng chảy âm nhạc này đi xa hơn với những cung bậc, cảm xúc mới lạ hơn. Nó không còn bó hẹp trong điệu thức, thang âm của vốn dân ca, dân vũ thuần túy của các tộc người bản xứ, mà đã có sự hòa trộn nhuần nhuyễn và tinh tế giữa bản sắc truyền thống với hơi thở hiện đại.

Phải thừa nhận rằng, âm nhạc Tây Nguyên đến đây (thời Nguyễn Cường) đã hàm chứa những giá trị đặc sắc, mang “gương mặt” rất riêng về một vùng đất và con người giàu bản sắc. Điều đó dễ hình dung qua những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường khi anh thật lòng “ăn nằm” với vùng đất này để sáng tác nên nhiều ca khúc khá thành công dưới góc nhìn và cảm nhận: Một Tây Nguyên hào sảng, hùng tráng, bao la và mạnh mẽ, tạo ra “chất rock Tây Nguyên” đặc trưng và cháy bỏng, đủ để cho công chúng yêu âm nhạc gọi đó là “Nhạc Tây Nguyên”.

Đa chiều và giàu cung bậc

Dòng âm nhạc Tây Nguyên giờ đây, bên cạnh chất rock - Nguyễn Cường, còn có thêm sự đằm thắm, sâu lắng được thể hiện trong cảm nhận và sáng tác của các nhạc sĩ Y Phôn Ksor, Y Sơn Niê, Krajan Đick, Krajan Plin, Thảo Giang, Mạnh Trí, Sỹ Hùng, Đình Nghĩ, Xuân Hoan…khiến toàn cảnh đời sống âm nhạc ở vùng đất này trở nên đa chiều và giàu cung bậc hơn.

 

Dòng âm nhạc Tây Nguyên giờ đây, bên cạnh chất rock - Nguyễn Cường, còn có thêm sự đằm thắm, sâu lắng được thể hiện trong cảm nhận và sáng tác của các nhạc sĩ Y Phôn Ksor, Y Sơn Niê, Krajan Đick, Krajan Plin, Thảo Giang, Mạnh Trí, Sỹ Hùng, Đình Nghĩ, Xuân Hoan… khiến toàn cảnh đời sống âm nhạc ở vùng đất này trở nên đa chiều và giàu cung bậc hơn.

Chính Nguyễn Cường, cũng như nhiều nhạc sĩ khác thừa nhận: Thời gian gần đây, không còn riêng Nguyễn Cường “độc diễn” ở Tây Nguyên nữa, mà nhiều nhạc sĩ đã đến đây tìm cảm hứng và đã bị nó mê hoặc với nhiều yếu tố mới như ký ức, thân phận con người, những suy nghiệm về thời cuộc và những mất - còn vốn văn hóa hết sức độc đáo và đặc sắc ở đây. Nói như vậy không có nghĩa là trước đó không có nhạc sĩ nào đã chạm đến yếu tố ấy, bởi thực tế không ít nghệ sĩ như Y Phôn Ksor đã sáng tác những ca khúc sâu lắng, mang tâm hồn Tây Nguyên như “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”, “Chim Phí bay về cội nguồn”, Krajan Plin với “Kbing ơi! Em hãy về” hay Đình Nghĩ với “Hoa Lang bian”, “Say trăng”, “Tự khúc ban chiều”… Sau này, những nhạc sĩ không phải là người ở Tây Nguyên như Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Quốc Bảo và Giáng Son… cũng đã đến Tây Nguyên ấp ủ và sáng tác. Chẳng hạn như ca khúc “Mùa nhớ” của Giáng Son, hay “Voi không đuôi” của Lê Minh Sơn viết ra trên nền blues jazz nhẹ nhàng và dìu dặt được coi là “ngã rẽ” khác so với các thế hệ nhạc sĩ trước đã  giúp công chúng yêu âm nhạc Tây Nguyên thêm phong phú, đa chiều hơn.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.