Multimedia Đọc Báo in

Gành đá Lộ Diêu và huyền thoại những con tàu không số

07:03, 17/06/2018

Gành đá Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) là một trong những thắng cảnh đẹp nhất của tỉnh Bình Định. Gành đá này còn nổi tiếng bởi nơi đây từng là nơi cập bến của những con tàu không số huyền thoại.

Cách đây gần 57 năm, ngày 23-10-1961, đoàn tàu vận tải biển với nhiệm vụ chi viện lực lượng và vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển được thành lập. Từ đây, xuất hiện những con tàu không số hoạt động thầm lặng trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” làm nên những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động bí mật của mình, những con tàu không số đã cập bến ở nhiều nơi trên dọc dài bờ biển miền Trung. Biển Lộ Diêu có địa thế biệt lập với một mặt biển, ba mặt núi, hai đầu có hai đèo Lộ Diêu và đèo Hà Ra. Hơn nữa, Lộ Diêu lúc bấy giờ là vùng giải phóng, có tổ chức Đảng, có đội du kích kiên cường, quân và dân có truyền thống đấu tranh cách mạng nên địch chưa khống chế được. Vì vậy, vùng biển hiểm trở này được chọn làm nơi đón con tàu không số đầu tiên và hàng trăm con tàu sau đó vào chi viện vũ khí, lực lượng cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của gành đá Lộ Diêu.
Vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của gành đá Lộ Diêu.

Ngày 21-9-1964, con tàu không số đầu tiên có phiên hiệu 401 nhận lệnh lên đường vào Bình Định. Tàu được đóng theo dạng tàu cá, chở 34 tấn vũ khí cùng thủy thủ đoàn gồm 12 người. Sau nhiều lần gặp bão, bị không quân Mỹ theo dõi bắt buộc phải thay đổi lịch trình, đến 4 giờ sáng ngày 1-11-1964, tàu đến được vùng biển Lộ Diêu. Ngay khi tàu vừa cập bến, quân dân tại đây lập tức di chuyển và cất giấu 34 tấn vũ khí về nơi an toàn.

Sau tàu 401, hàng trăm con tàu không số khác đã cập bến Lộ Diêu để tiếp tục hành trình thực hiện sứ mệnh thiêng liêng vận chuyển trên 150 nghìn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men và hàng nghìn lượt cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, làm nên những kỳ tích phi thường, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với di tích Vũng Rô (tỉnh Phú Yên), gành Lộ Diêu được xem là một điểm son của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về những con tàu không số cùng những lần cập bến Lộ Diêu vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhân dân nơi đây. Với người dân Lộ Diêu nói riêng, nhân dân Bình Định nói chung, gành đá Lộ Diêu là một trong những niềm tự hào to lớn về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương.

Ngày nay, gành đá Lộ Diêu lại khoác lên mình vẻ đẹp yên bình và thơ mộng của một trong các bãi biển đẹp nhất Bình Định. Từ trên cao nhìn xuống, Lộ Diêu như một cánh cung khổng lồ với lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra biển. Tại Lộ Diêu, đèo núi chồm ra sát biển tạo nên rất nhiều khối đá với vô vàn hình thù độc đáo. Nhìn từ xa, những gành đá đủ kiểu hình dáng, màu sắc hòa quyện với bãi cát vàng, sóng bạc tạo nên bức tranh đá nước mây trời kỳ vĩ nhưng cũng thật nên thơ.

Về huyện Hoài Nhơn, du khách đừng quên ghé thăm gành đá Lộ Diêu để được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ của bãi biển, được các cụ lão thành cách mạng tại đây kể cho nghe nhiều câu chuyện một thuở hào hùng về những con tàu không số huyền thoại từng cập bến Lộ Diêu.

Phạm Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.