Multimedia Đọc Báo in

Nghi lễ chọn đất lập làng của người Cơtu

16:17, 10/11/2018

Tộc người Cơtu cư trú tập trung trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Mỗi vùng của người Cơtu sinh sống có phong tục chọn đất lập làng riêng, nhưng quy tụ lại vẫn là một ước mơ cháy bỏng đối với sự tồn tại của cộng đồng.

Việc chọn đất lập làng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại hay suy vong của cộng đồng, đây là nghi lễ mang ý nghĩa quan trọng nên người Cơtu rất coi trọng. Mảnh đất được chọn phải hội đủ các yếu tố: có nguồn nước ổn định để sinh hoạt, trồng tỉa các loại hoa màu, địa thế thuận lợi cho việc bố phòng ngăn chặn thú rừng cũng như các yếu tố xung đột từ bên ngoài...

Nghệ nhân Bh’ling Hạnh (76 tuổi) tái hiện nghi thức chọn đất bằng lửa và cây đót.
Nghệ nhân Bh’ling Hạnh (76 tuổi) tái hiện nghi thức chọn đất bằng lửa và cây đót.

Nghệ nhân Bh’ling Hạnh (76 tuổi, ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) kể, ngày xưa có một làng thuộc tộc người Cơtu luôn gặp chuyện không may trong thời gian dài khiến họ rất hoang mang, lo sợ. Khi ấy, nhiệm vụ của già chủ làng là phải tìm ra vùng đất mới để đưa dân làng tới an cư lập nghiệp. Già chủ làng tập hợp nhiều tộc trưởng trong làng lại họp và hỏi ý kiến để thống nhất việc tìm đất lập làng, tất cả các tộc trưởng thống nhất thì việc di dời làng mới bắt đầu thực hiện. Già chủ làng quyết định chọn nơi đất mới, nơi hội tụ đủ điều kiện sống có nguồn nước sạch để nấu nướng ăn uống và sinh hoạt, nơi có không khí trong lành, nơi có đất màu mỡ cho bà con dân làng trồng lúa, phát triển chăn nuôi trâu bò, heo, gà…

Tộc người Cơtu có nhiều cách chọn đất lập làng, một trong những cách đó là chọn đất bằng lửa và cây đót. Sở dĩ chọn bằng cây đót vì cây đót khi đốt lên sẽ cháy nhanh hơn và phát ra tiếng nổ xé nghe rất rõ, dễ nhận biết. Khi đốt lửa, già chủ làng kêu trời, gọi đất, thần linh, ông bà tổ tiên người Cơtu cho dân làng được chỗ ở mới, nhà cửa ổn định, yên bình, không gặp rủi ro bất hạnh. Khi cây đót cháy, tiếng nổ của cây đót xé ra bên ma quỷ thì ma quỷ thua, dân làng chiến thắng. Khi tiếng nổ do cây đót cháy vang lên thì dân làng hú to thể hiện niềm vui mừng, sự thành công của việc chọn đất lập làng. Trong quá trình thực hiện nghi lễ để chọn đất lập làng cũng như sau khi mảnh đất đã được chọn mà gặp phải những điềm xấu như cây ngã, dông, sét đánh, khỉ kêu, đi gặp thú chặn đường... thì người ta sẽ bỏ mảnh đất đó mà đi tìm mảnh đất khác.

Nghi thức người dân ăn mừng có được làng mới, nhà mới.
Nghi thức người dân ăn mừng có được làng mới, nhà mới.


Theo quan niệm người Cơtu, khi chưa có đất chính thức thì chỉ dùng rựa giả phát dọn tạm thời, sau đó mới quyết định địa điểm cúng chính thức. Bắt đầu nghi lễ cúng làng mới, già chủ làng và các trưởng tộc mặc áo làm bằng vỏ cây (để thể hiện sự gần gũi với núi rừng, với trời đất, với thần linh) ngồi vòng tròn và vẽ xuống đất hình chữ U theo nghi thức một bên thân đất thân trời, một bên con người của làng. Khi mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, già chủ làng vẽ hình cánh cung xác định vị trí của ngôi làng, rồi lần lượt phân chia từng điểm dựng nhà, khu vực gươl để dân làng nhận biết. Sau đó cả làng bắt tay vào việc dựng làng mới. Sau khi làng mới được lập nên, các trưởng tộc thực hiện thủ tục cúng nhà, cúng gươl. Con heo sống được chọc tiết, rồi lấy máu bôi lên các ngôi nhà và lên từng người trong làng. Còn thịt heo được dân làng chế biến thành các mâm thức ăn để mọi người cùng quây quần mừng có được làng mới, có nhà mới, mừng thắng được con ma rừng. Đêm đầu tiên về làng mới, mọi người cùng nhau ăn uống, hát lý, đánh trống chiêng và múa hát theo làn điệu mừng làng, mừng nhà mới, cầu mong có được sự no ấm, yên bình.

Có thể nói, ngoài những giá trị đặc sắc về lễ hội, tín ngưỡng... thì việc tái hiện nghi thức chọn đất lập làng đã góp thêm những vốn văn hóa quý, làm phong phú bản sắc văn hóa riêng của người Cơtu.

Nguyễn Văn Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.