Multimedia Đọc Báo in

Ngân xa tiếng đàn tính, hát then nơi biên giới

09:57, 26/12/2018

Đã nhiều năm xa quê hương đến sinh sống, lập nghiệp ở vùng biên Ea Súp,  những người con Bắc Kạn vẫn đau đáu tình cảm với quê cũ. Nỗi nhớ ấy thể hiện qua giai điệu âm nhạc dân tộc cổ truyền của họ, đó là đàn tính, hát then.

Ông Bế Sỹ Lâm (thôn 3, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) là người Tày từ Bắc Kạn vào Ea Súp sinh sống từ năm 1997. Xa quê hương, đến vùng đất mới sinh sống ông nhớ quê, nhớ điệu then, cây đàn tính đã gắn bó từ nhỏ nhưng lại không có điều kiện để trau dồi, tập luyện đàn hát. “Từ khi còn là học sinh ở quê nhà tôi đã được thầy giáo chỉ dạy đàn tính, hát then để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ tại trường. Lớn lên vào Đắk Lắk lập nghiệp, công việc bận bịu khiến đam mê đàn hát đành gác lại. Năm 1999 tôi có dịp biểu diễn đàn tính, hát then trong chương trình văn nghệ của Hội Người cao tuổi ở địa phương, sau lần đó tôi tự làm đàn và tiếp tục luyện tập, bởi vì chưa học thì chưa biết chứ khi đã chạm vào đàn, học đàn là đam mê không dứt ra được”, ông Lâm tâm sự.

Ông Bế Sỹ Lâm chỉ dạy cách chơi đàn tính cho từng em học sinh.
Ông Bế Sỹ Lâm chỉ dạy cách chơi đàn tính cho từng em học sinh.

Niềm đam mê âm nhạc dân tộc của các em trong Đội cùng với cách truyền dạy, giúp đỡ mộc mạc nhưng chứa chan tình cảm của ông Bế Sỹ Lâm đã góp phần gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa đàn tính, hát then trên vùng biên giới Ea Súp.

Năm 2017, trong một lần ông Lâm mang đàn tính ra chơi ở trước thềm nhà, đám trẻ con đi qua tò mò xúm vào xem, rồi thích quá xin được học. Đám trẻ tập trung được chừng 15 em cùng sở thích, em bé nhất học lớp 4, em lớn nhất học lớp 8 đến nhờ ông Lâm chỉ dạy. Từ đó, Đội đàn tính, hát then tại xã Cư Kbang ra đời. Đội được ông Lâm cùng một số người cao tuổi tại địa phương đam mê đàn tính, hát then như bà Đàm Thị Thum, Lý Thị Cảnh, Đàm Thị Vời đến giúp đỡ, chỉ bảo thêm. Cứ chiều thứ bảy, chủ nhật là các em lại tập trung học tại nhà ông Lâm. Dần dần, có thêm nhiều đoàn viên, thanh niên và người dân trong vùng tranh thủ theo học vào buổi tối. Dù bận rộn với cuộc sống, công việc nhưng bất kỳ ai đến học ông Lâm đều giảng dạy, chỉ bảo tận tình.

Một buổi tập luyện của Đội đàn tính, hát then tại xã Cư Kbang.
Một buổi tập luyện của Đội đàn tính, hát then tại xã Cư Kbang.

Ông Lâm cho biết, học đàn tính, hát then rất đơn giản, chỉ khoảng hai tuần là có thể đánh được các bài cơ bản, nhưng để đánh đàn thật hay cần rất nhiều thời gian luyện tập. Do số lượng đàn sẵn có còn ít, mà đàn bán ngoài thị trường thì khá đắt nên ông vừa truyền dạy vừa chế tác đàn. Ban đầu, ông đã tận dụng... vỏ một quả đào tiên để làm bầu đàn. Sau này, được một người trong xã cho giống bầu, ông tự chăm sóc để lấy quả già làm bầu đàn. Ông cho hay: “Khi cây bầu bắt đầu ra quả là tôi cắt tỉa hết, chỉ giữ lại một vài quả để bảo đảm quả bầu luôn to, da căng đẹp. Có thời gian rảnh tôi lại đi tìm gỗ thừng mực để làm cần đàn. Khi đã có đủ vật liệu, tôi mất khoảng ba ngày để làm được một cây đàn tính. Đến nay tôi đã chế tác được hơn 10 cây đàn tính để cho các em học sinh và người dân đến học đàn sử dụng.”

Qua gần hai năm chăm chỉ học hành, tập luyện, các em học sinh trong Đội đều đã đàn hát thành thạo nhiều bài khác nhau.  Em Lục Thị Thu Hằng (học sinh lớp 5, thôn 12, xã Cư Kbang) tuy còn nhỏ nhưng tập rất nghiêm túc, dù nhà xa nhưng cứ đến cuối tuần là em cặm cụi đạp xe đến học, ngoài ra em còn lên mạng tìm hiểu, tự học thêm. Đến nay em đã đàn thành thạo nhiều bài, được tham gia biểu diễn trong những dịp tổ chức sự kiện, ngày lễ tại địa phương.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.