Multimedia Đọc Báo in

Thăm Thoại Sơn cổ tự

10:08, 23/12/2018

Từ thành phố Long Xuyên theo Tỉnh lộ 943, băng qua những cánh đồng lúa bạt ngàn, đi chừng 25 km sẽ đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Núi Sập (còn gọi là Thoại Sơn) là một ngọn núi nhỏ, chỉ cao 211 m nằm giữa đồng tứ giác Long Xuyên. Đây là ngọn núi có cảnh quan đẹp và có lịch sử gắn liền với công cuộc khai mở vùng đất Tây Nam Bộ.

Đình thờ ông Thoại còn có tên là Thoại Sơn cổ tự, tọa lạc trên triền núi Sập. Đình có kiến trúc theo lối các đình chùa ở Nam Bộ cải biên theo kiểu nhà “trính” đôi với nhiều cột tròn rất to bằng danh mộc, thường bằng gỗ căm xe hay gõ sừng, lâu ngày lên nước đen bóng như thoa mỡ. Mái đình lợp ngói âm dương, theo thời gian rêu phong bám đầy trông cổ kính, thâm nghiêm… Chung quanh khuôn viên đình là những cây dầu lông, trâm, sao cổ thụ cao vút, tàng lá xanh um bao bọc tạo ra một không gian nhuốm màu thiền lam u tĩnh. Chính diện tiền đình là một bức bình phong lớn có đắp phù điêu kỳ lân trên lưng mang “linh kiếm bát quái đồ”. Trước bình phong là một lư đỉnh bằng đá núi Sập có từ lúc mới lập đình cách nay gần hai thế kỷ.

Núi Sập và kênh Thoại Hà.
Núi Sập và kênh Thoại Hà.

Vào bên trong chánh điện, ta sẽ gặp tượng Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đặt dưới chân bia Thoại Sơn. Bia được phủ vải đỏ viền quanh và đặt trên bệ thờ rất trang trọng. Bia do chính Thoại Ngọc Hầu cho lập vào năm 1822, có chiều cao 3 m, rộng 1,2 m, dày 20 cm, mặt bia chạm 629 chữ Hán. Hiện bia vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, các chữ Hán trên mặt bia vẫn còn sắc nét. Nội dung bia nói về nguồn gốc, xuất xứ, cảnh quan, tên tuổi của núi Thoại Sơn. Tuy nhiên do bị sơn phết nên bia hiện nay đã mất đi diện mạo ban đầu.

Bia Thoại Sơn cùng với bia Vĩnh Lăng ở Thanh Hóa và bia Vĩnh Tế Sơn ở núi Sam là một trong ba bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới thời phong kiến cận đương đại còn lưu lại đến ngày nay. Nguyễn Văn Thoại tước Thoại Ngọc Hầu sinh ngày 26-11 năm Tân Tỵ (1761) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22, tại xóm An Trung, làng An Hải, thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Cha ông là Nguyễn Văn Lượng, sinh thời làm chức từ thừa, là một chức quan nhỏ chuyên lo việc tế tự tại các đền miếu do nhà nước lập ra. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ thứ của ông Lượng. Nguyễn Văn Thoại sinh ra và lớn lên lúc Trịnh và Nguyễn đánh nhau liên miên, tiếp theo nữa là phong trào Tây Sơn nổi dậy (1771). Vì thế, mẹ ông phải dẫn ông và hai em chạy nạn vào Nam, cuối cùng định cư ở làng Thới Bình trên cù lao Dài, nằm giữa sông Bang Tra và sông Cổ Chiên, nay thuộc địa phận huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Đình Thoại Sơn.
Đình Thoại Sơn.

Lúc giữ chức trấn thủ trấn Vĩnh Thanh (1817), Nguyễn Văn Thoại sốt sắng lo việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới. Các công trình lớn của ông còn để lại cho đời sau như: Kênh Thoại Hà (khởi đào vào năm 1818, dài hơn 30 km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá). Kênh đào xong được vua Gia Long cho phép lấy tên Nguyễn Văn Thoại để đặt cho tên núi - Thoại Sơn và tên kênh - Thoại Hà); kênh Vĩnh Tế (đào theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc - Hà Tiên, tức nối sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan; kênh dài hơn 87 km, huy động hàng vạn nhân công thực hiện từ năm 1819-1824 (có hoãn đào 4 lần). Con kênh được đặt tên theo tên vợ chính của Nguyễn Văn Thoại là phu nhân Châu Thị Tế).

Năm 1823, Nguyễn Văn Thoại cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế là Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Liên quan đến việc mộ dân lập làng của ông, sử nhà Nguyễn có đoạn chép: "Án thủ Châu Đốc là Thống chế Nguyễn Văn Thụy trước mộ dân dời đến ở đất biên thùy, đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã hoãn nhiều năm, dân vẫn chưa trả được. Đến nay Thụy đem của nhà trả bù cho dân".

Năm 1825, ông cho đắp con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò (tức thị trấn Angkor Borei ngày nay) - Sóc Vinh nối các làng với nhau rất tiện lợi trong việc đi lại cho nhân dân. Lộ núi Sam - Châu Đốc dài 5 km, làm từ năm 1826 đến 1827, huy động gần 4.500 nhân công. Làm xong, Nguyễn Văn Thoại cho khắc bia "Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương" dựng tại núi Sam năm 1828 để kỷ niệm. Ngày nay, tấm bia không còn, nhưng còn văn bia trong sử sách. Có thể nói, những công trình trên được xem là cơ sở để người Việt đặt chủ quyền lâu dài trên vùng đất mới này.

Tìm về núi Sập, thăm Thoại Sơn cổ tự sẽ giúp du khách hiểu thêm về một nhân vật lịch sử nổi tiếng cùng với công trình thủy lợi có tầm vóc “thế kỷ” thời ấy, mà lịch sử và bia ký còn ghi lại.

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc