Multimedia Đọc Báo in

Về Quảng Ngãi vãn cảnh chùa Diêm Điền

08:12, 02/12/2018

Cùng với chùa Hang (huyện đảo Lý Sơn), chùa Ông Thu Xà (huyện Tư Nghĩa), chùa Thiên Ấn (huyện Sơn Tịnh) và chùa Hoa Nghiêm (TP. Quảng Ngãi), Diêm Điền tự là một trong "ngũ đại danh tự" của tỉnh Quảng Ngãi, một di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của xứ Cẩm Thành.

Chùa Diêm Điền tọa lạc ở thôn Diêm Điền (xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi). Chùa nằm trong một khuôn viên nhỏ, nép dưới những tán cây cổ thụ, khuất bóng sau những hàng tre, bốn bên ruộng đồng bao bọc…Tổng diện tích chánh điện của chùa chỉ vỏn vẹn 20 m2 nhưng vẫn giữ được nét thâm nghiêm, cổ kính. Chùa được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của chùa Việt. Cổng chùa nép dưới bóng cây đa.

Về sự ra đời của chùa Diêm Điền, người dân xã Tịnh Hòa còn lưu truyền một giai thoại rất nổi tiếng. Tục truyền rằng, thuở trước, Diêm Điền là vùng đầm phá nhiễm mặn (vì gần biển), người dân làm nghề đánh cá, trồng lác dệt chiếu, mùa nắng làm muối (tên gọi Diêm Điền có nghĩa là “ruộng muối”). Hồi đó, có một thời gian, cả vùng Diêm Điền bị nhiễm mặn nghiêm trọng, các giếng trong làng đều bị mặn, người dân không có nước ngọt để dùng. Ngày nọ, có một nhà sư cùng một chú tiểu không biết từ đâu đến làng, chặt cây rừng dựng am thờ Phật, ban đêm tụng kinh, ban ngày đào giếng. Đến khi giếng được đào xong và có nước ngọt thì nhà sư và chú tiểu đã đi đâu không ai biết. Để tưởng nhớ công ơn của hai vị, người dân Diêm Điền đã lập một đền thờ ngay tại am Phật mà vị nhà sư cùng chú tiểu năm xưa đã dựng lên. Năm 1850, chùa Diêm Điền được xây dựng ngay tại vị trí này.

Cổng chùa Diêm Điền.
Cổng chùa Diêm Điền.

Ngày nay, giếng nước mà nhà sư và chú tiểu đào thuở ấy vẫn còn. Người dân vùng Diêm Điền gọi bằng cái tên thân thương và cung kính là “giếng Chùa”. Giếng nằm ở bên tả chánh điện chùa, được xây bằng vôi, nước quanh năm trong vắt, mát ngọt và không bao giờ cạn, kể cả những năm đại hạn. Người dân trong làng thường đến lấy nước ở giếng Chùa về uống, đun nước pha trà. Du khách đến thăm viếng chùa thường xin nước giếng Chùa mang về với mong ước may mắn, phước lộc sẽ đến với mình.

Về thăm chùa Diêm Điền, chùa không nhận bất kỳ khoản tiền cúng dường nào của khách thập phương, dù là ít ỏi. Mỗi khi chùa cần tu bổ hay có lễ lạt gì, người dân Diêm Điềm sẽ tự tổ chức đóng góp. Đây là cách người dân nơi đây bày tỏ lòng tri ân của mình đối với những công đức của chùa. Vì vậy, về Tịnh Hòa, khi hỏi về chùa Diêm Điền, thế nào du khách cũng sẽ được nghe câu ca dao: “Quý khách đã đến Diêm Điền/ Viếng chùa càng quý, viếng tiền xin lui/ Chùa quê nghèo thật, xin người/ Đốt hương niệm Phật hoa tươi hương đèn”.

Chánh điện chùa Diêm Điền.
Chánh điện chùa Diêm Điền.

Vãn cảnh chùa Diêm Điền, nghe kể về sự tích nhà sư đào giếng giúp dân, rửa mặt bằng dòng nước mát lành ở giếng Chùa sẽ là những trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá vùng đất miền biển Tịnh Hòa.

Phạm Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.