Multimedia Đọc Báo in

Gia sản quý của già Y Cúc

09:43, 25/09/2019
Trời chiều nhuộm màu nắng nhạt, trên bậc ngôi nhà sàn gỗ ở buôn Hra A, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), già Y Cúc Niê ngồi nhìn xa xăm như đắm mình vào không gian tĩnh lặng của buổi chiều tà.

Năm nay đã bước sang tuổi 75, già Y Cúc vẫn sống một mình trong ngôi nhà sàn cổ của gia đình, ngày ngày lau chùi những chiếc chiêng, ché cổ mà ông xem như báu vật. Không nói được tiếng Kinh, không lập gia đình, già Y Cúc thuộc lớp người “muôn năm cũ”, luôn tha thiết với những gì thuộc về truyền thống.

Ông bảo, cồng chiêng, ché là những vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào Êđê; cồng chiêng là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc và là nơi trú ngụ của thần linh để che chở, phù hộ cho mỗi gia đình, dòng họ… Vì vậy, dù ai muốn bán đi những vật quý ấy thì ông Y Cúc vẫn quyết tâm giữ những chiếc chiêng, ché cổ không cho rời khỏi buôn làng. Với ông, những chiếc ché cổ, cồng chiêng như là “vật chứng sống” tượng trưng cho sự trường tồn của văn hóa truyền thống trước những thay đổi của nhịp sống mới.

Già Y Cúc bên chiếc trống cổ trăm tuổi.
Già Y Cúc bên chiếc trống cổ trăm tuổi.

Hiện nay, ông Y Cúc còn gìn giữ được một bộ chiêng 10 chiếc và 20 chiếc ché cổ quý do cha mẹ để lại, mỗi chiếc ché có màu sắc khác nhau với hoa văn độc đáo. Ngoài ra, còn có chiếc trống cổ hơn 100 năm tuổi. Chỉ vào chiếc trống, già Y Cúc kể với giọng nuối tiếc: Chiếc trống cổ hơn 100 tuổi trước đây thường đặt trên ghế Kpan cũng từng ấy tuổi trong gian khách của ngôi nhà sàn. Mỗi lần muốn đưa trống ra khỏi nhà phải làm một lễ cúng nhỏ để xin phép. Tiếc thay chiếc ghế Kpan đã bị mất trong thời gian chiến tranh.

Mỗi ngày, các bảo vật đều được ông Y Cúc nâng niu, lau chùi sáng bóng, bảo quản cẩn thận. Do trong buôn chỉ còn nhà ông Y Cúc còn giữ gìn được những bộ chiêng ché cổ và quý nên mỗi khi trong buôn có lễ hội đều đến mượn bộ cồng chiêng của ông; riêng chiếc trống không được mượn bởi đây là điều cấm kỵ, trống phải để nguyên vị trí không được di chuyển đi đâu trừ khi gia đình nào có việc buồn đột xuất. Ngôi nhà sàn của ông cũng là nơi ghé thăm của các đoàn tham quan đến tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê.

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Y Cúc.
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Y Cúc.

Năm nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, già Y Cúc đã gắn bó với những bộ chiêng ché cổ của gia đình suốt cả cuộc đời. Điều ông mong mỏi nhất là sau này khi mình “về với ông bà”, những người cháu chắt trẻ tuổi trong dòng họ vẫn tiếp tục bảo tồn, gìn giữ những báu vật của gia đình…

Dạ Yến Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.