Multimedia Đọc Báo in

Người dân buôn Blêch nỗ lực bảo tồn chiêng

09:44, 25/09/2019

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở buôn Blêch, thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo) hằng ngày vẫn gìn giữ nhịp chiêng và âm thầm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Đinh Xuân Hương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Drăng trước đây là Bí thư Chi bộ buôn Blêch cho biết, ở buôn trước đây có nhiều người biết đánh chiêng và có nhiều bộ chiêng quý. Tuy nhiên theo thời gian, lớp trẻ sau này không còn yêu thích cồng chiêng, những nghệ nhân chiêng gạo cội cũng xa dần. Bên cạnh đó là nạn săn lùng đồ cổ đã khiến nhiều chiêng, ché trong buôn mất đi. Trước thực trạng này, ông cùng Ban tự quản buôn khi đó đã tuyên truyền, vận động bà con, nhất là thanh niên cố gắng giữ gìn di sản văn hóa cồng chiêng của cha ông.

Sau khi vận động, các thanh niên đã tập hợp nhau lại thành lập đội chiêng để học cách đánh chiêng. Đây là đội chiêng đầu tiên được thành lập và hoạt động thường xuyên, bài bản tại huyện Ea H’leo. Đội chiêng đã có, nhưng chiêng không đủ bộ để diễn tấu, vậy là bà con trong buôn đồng lòng góp tiền mua đủ dàn chiêng 23 chiếc. Năm 2002, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đầu tư thêm trang phục, nhạc cụ để đội chiêng hoạt động tốt hơn và tham gia biểu diễn tại những sự kiện lớn của địa phương. 20 năm qua, đội chiêng thường xuyên có biến động về thành viên, do người mất, người chuyển đi nơi khác nhưng được bổ sung, ổn định số lượng 22 người, người lớn tuổi nhất đã gần 50, người trẻ thì 18, 20...

Bộ chiêng của buôn Blêch, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo.
Bộ chiêng của buôn Blêch, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo.

Anh Y Niêm Niê, Đội phó đội chiêng buôn Blêch, từ bé đã thường xuyên được nghe tiếng cồng chiêng trong những lễ hội của buôn làng. Với niềm đam mê chiêng, khi lớn lên, anh cùng các chàng trai trong buôn theo những người già đi nhiều nơi để học cách đánh chiêng. Chỉ mấy tháng, anh không những biết đánh thành thạo nhiều bài chiêng mà còn diễn tấu rất cuốn hút và được chọn vào đội chiêng, tham gia biểu diễn ở không biết bao nhiêu sự kiện trong xã, ngoài huyện. Bên cạnh đó, đội chiêng còn diễn tấu tại các lễ hội trong buôn như lễ bỏ mả, cúng bến nước, mừng cơm mới... “Đánh cồng chiêng không chỉ cần có niềm đam mê mà còn đòi hỏi sự chăm chỉ mới có thể gắn bó lâu dài. Người diễn tấu chiêng phải biết thẩm âm, tiết tấu và có tinh thần đoàn kết”, anh Y Niêm Niê chia sẻ.

Bên cạnh đội chiêng của buôn, ở buôn Blêch, người có nhiều chiêng nhất là gia đình chị H’Hiên Adrơng với 6 chiếc chiêng quý. Bố mẹ chị kể lại rằng, để có được số chiêng này, ông bà đã phải bán cả đàn bò 10 con để mua, trong đó, riêng chiếc chiêng cái trị giá 3 con bò.

Ngoài chiêng quý, gia đình chị còn giữ được nhiều vật dụng truyền thống khác của người Êđê như: trống, nồi đồng, ché rượu, ghế kpan… Chị H’Hiên cho biết, nhiều người từ thành phố hỏi mua các tài sản này, nhưng gia đình chị nhất quyết không bán mà giữ gìn lại cho thế hệ con cháu. Chị cũng thường xuyên tham gia đội múa xoang của buôn để cùng biểu diễn với đội chiêng trong các sự kiện. Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên nhắc nhở con mình và các cháu nhỏ trong buôn biết quý trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Bộ chiêng quý gia đình chị H’Hiên Adrơng còn giữ lại được.
Bộ chiêng quý gia đình chị H’Hiên Adrơng còn giữ lại được.

Anh Nguyễn Văn Thạnh, cán bộ văn hóa thị trấn Ea Drăng cho biết, tại địa phương có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó buôn Blêch là điển hình trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Buôn có 215 hộ, trong đó hơn 70% người Êđê, còn lại là người Gia Rai, Ba Na. Đội chiêng của buôn không chỉ phục vụ các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Êđê mà còn hiện diện trong đời sống của bà con các dân tộc khác. Ở buôn hiện còn giữ được bộ chiêng K’nah cổ 9 chiếc và được coi là tài sản quý báu của buôn làng. Đáng tiếc là những người đánh được chiêng này đều đã “về với ông bà”, nhưng bộ chiêng vẫn được cất giữ cẩn thận. Hằng năm, địa phương luôn tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội để lớp trẻ có cơ hội tiếp cận với cồng chiêng, để am hiểu và có ý thức tự hào, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.