Multimedia Đọc Báo in

Xuống Kinh đổi muối

13:58, 25/07/2021

Ngày xưa, ở miền núi, vùng cao như địa bàn Tây Nguyên, muối ăn rất khan hiếm. Đồng bào Êđê, M’nông phải vượt núi băng rừng xuống tận miền xuôi hoặc vùng trung chuyển, giáp ranh để bán lâm thổ sản, đổi vải vóc, nồi đồng, cồng chiêng, ché, đồ kim loại, mắm muối...

Trong quá khứ đã từng hình thành, tồn tại “con đường muối” từ đồng bằng lên tận vùng núi cao và ngược lại. Người Êđê có câu nói: “Nao trun yuăn mlih hra” (dịch nghĩa là “Đi xuống vùng người Kinh đổi muối”).

Bà con dân tộc Êđê, M’nông ở phía nam Tây Nguyên (thuộc Đắk Lắk, Đắk Nông ngày nay) từ xưa đã biết mở lối thông thương với người Kinh và các tộc người láng giềng. Họ dùng voi, ngựa, đi bộ xuyên rừng đến những nơi xa xôi hơn để tìm kế mưu sinh và phát triển cộng đồng, buôn làng.

Thời đó, muối ăn là mặt hàng quý hiếm. Hạt muối kiếm được bà con để dành ăn dần, sử dụng một cách dè sẻn. Muối còn dùng để trao đổi lương thực, thực phẩm, vật nuôi, đồ dùng và nhu yếu phẩm trong nội bộ dân tộc và các buôn làng lân cận. Đồng bào có nhiều cách bảo quản, chế biến muối. Khi mua về, họ lấy chiếc gùi nhỏ (người M’nông gọi là vị), bên trong lót lớp lá (người M’nông gọi là lá râng) rồi đổ muối vào gùi cất giữ. Họ chế thêm nước cơm cho muối tan chảy ra và kết dính vào nhau. Sau đó gùi muối được treo lên dàn bếp cho khô ráo. Để lâu ngày muối khô đóng thành một cục to. Muốn ăn phải dùng vật cứng cào vào cục muối và hốt ra từng nắm để ăn. Cách bảo quản này có tác dụng tiết kiệm, giữ muối ăn được lâu ngày. Mỗi gùi muối gia đình ăn được vài năm, khi nào hết mới mua lại. Luật tục của đồng bào cũng có nhiều điều khoản liên quan đến hạt muối. Lời luận tội của đồng bào có câu: “Giữ lúa không được làm mất/Giữ muối không được làm tan/Giữ cơm không được ăn lén/Mất tô hoa sẽ đền bằng trâu...”. Đó cũng là lời nhắc nhở các thành viên phải tôn trọng nếp sống, luật tục của cộng đồng, không làm điều xấu xa, sai trái mà gây ra hậu quả và sẽ chịu phạt nặng.

Hành trang của người đàn ông Êđê trên đường xuống đồng bằng đổi muối. Ảnh tư liệu
Hành trang của người đàn ông Êđê trên đường xuống đồng bằng đổi muối. Ảnh tư liệu

“Con đường muối” chẳng những ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào Êđê, M’nông mà còn thấy chủ nhân của con đường qua tư liệu, hình ảnh. Người Pháp cũng sớm có mặt ở Tây Nguyên và họ đã ghi lại những hoạt động, đời sống của người Thượng một cách chân thực, sinh động. Từ trang phục, nhà ở, đi lại đến phương thức mưu sinh như săn bắt, buôn bán, trao đổi hiện vật (ngang giá) của các tộc người. Trong bức ảnh chụp người Thượng ở Đắk Lắk đi xuống đồng bằng buôn bán những năm 1920, thấy rõ hành trang, vật dụng họ mang theo gồm: nón nang rộng vành, chăn, nồi cơm, vó đồ xôi, bầu nước… Đặc biệt, người đàn ông đi đổi muối trong bức ảnh dùng đòn gánh để gánh hàng hóa, đồ vật. Theo tập quán, đàn ông Êđê không được dùng gùi để gùi hàng. Họ chỉ vác hoặc dùng đòn gánh như người Kinh. Nếu đàn ông mang gùi thì nhìn giống phụ nữ, không ra dáng đàn ông. Ngay cả phụ nữ cũng không thích khi thấy đàn ông mang gùi. Trong phim tài liệu của G.Smith có một đoạn quay đoàn đàn ông gánh lúa và một đoàn phụ nữ gùi lúa về kho. Người Êđê vượt đèo Phượng Hoàng xuống Ninh Hòa, Nha Trang đổi hàng hóa lấy muối. Trên đường “trun yuăn” (xuống Kinh) sợ nhất là bị cọp vồ. Những người ở nhà khi chưa thấy đoàn người đi lấy muối về phải kiêng cữ nhiều điều để cầu bình an, may mắn cho người thân trên đường xa.

“Con đường muối” cũng là con đường mở ra việc giao lưu, hỗ trợ và gắn kết giữa người Kinh và người Thượng, cùng nhau làm ăn, khai khẩn vùng đất Tây Nguyên.

Tấn Vịnh


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.