Multimedia Đọc Báo in

Cả hệ thống chính trị vào cuộc quản lý, bảo vệ rừng

06:33, 25/04/2022

Ngày 22/4, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 13-CT/TW). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Sau khi có Chỉ thị 13-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 19/5/2017 yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt chỉ thị này. Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ.

Theo đánh giá tại hội nghị, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và toàn thể nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Diện tích đất có rừng 501.206 ha, trong đó có 426.046 ha rừng tự nhiên, 75.160 ha rừng trồng, 232.423 ha đất chưa có rừng, độ che phủ rừng đạt 38,35 %. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước từng bước được kiện toàn, củng cố; các doanh nghiệp quản lý rừng và đất rừng sắp xếp, đổi mới theo đúng chỉ đạo của Trung ương, đúng quy định. Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh liên tục tăng lên qua các năm. Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác thu hút, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tại địa bàn các vùng trong lưu vực của hệ thống thủy điện, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuyên truyền cho người dân về Luật Lâm nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ở Đắk Lắk vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Cụ thể, cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi, nhất là cấp xã chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; một số chủ rừng năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng từ cơ sở, dẫn đến tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn tiếp diễn…

Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến, hiến kế để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó đáng chú ý nhất là ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở ngành, địa phương. Báo Đắk Lắk xin trích chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và một số ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị:

♦ Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Cả hệ thống chính trị cần tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ, phát triển rừng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự thực hiện đồng bộ của các cấp, ngành; chủ động bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp giữa các cơ quan trong khối tư pháp và địa phương để thanh tra, kiểm tra, xử lý quyết liệt các vi phạm với tinh thần không có vùng cấm, ngoại lệ; tạo điều kiện cho dự án thuê đất rừng triển khai thực hiện và có cơ chế bồi thường thiệt hại, làm rõ trách nhiệm chủ rừng để mất rừng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm về quản lý, bảo vệ rừng, hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng, Tết trồng cây. Các cán bộ, đảng viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, cùng nhau đoàn kết, nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại huyện Ea Súp.

♦ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Đình Nhuận: Quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất lâm nghiệp

Qua rà soát, diện tích đất có nguồn gốc lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 735.988 ha (chiếm 56,3% diện tích tự nhiên của tỉnh). Từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã cho thuê 44.061 ha đất để thực hiện 70 dự án nông lâm nghiệp và quản lý bảo vệ rừng. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra 26 dự án nông lâm nghiệp, thu hồi gần 5.582 ha của 9 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai. Để quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất, UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo các công ty lâm nghiệp hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh phương án sử dụng đất, điều chỉnh diện tích giao đất. Đối với UBND huyện nơi có đất, tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng đất, rừng, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về đất đai; khẩn trương hoàn thiện phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông lâm trường bàn giao về địa phương quản lý trình phê duyệt để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất và thu hút dự án đầu tư.

♦ Phó Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Bình: Tăng cường đấu tranh, phòng, chống tội phạm

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa công tác nắm tình hình, đánh giá dự báo tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, kịp thời tìm ra các sơ hở, yếu kém ở lĩnh vực này để tham mưu giải pháp phòng ngừa tội phạm. Phòng Cảnh sát Kinh tế xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng, tổ chức hoạt động đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị nghiệp vụ và công an địa phương tham gia kế hoạch đấu tranh đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong quá trình điều tra, xác minh các vụ việc; tăng cường công tác kiểm soát hàng hóa lâm sản, kịp thời tham mưu xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản…

Lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn tuần tra bảo vệ rừng.

♦ Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Văn Nhiệm: Rà soát, xử lý diện tích đất lâm nghiệp sử dụng không hiệu quả

Theo nhận định, dự báo, những năm tới, trên địa bàn huyện Ea Súp vẫn tiếp tục diễn ra nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép, lấn chiếm đất lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ, tranh chấp đất rừng. Để tạo chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, địa phương sẽ thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp; triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 19/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng"; phối hợp Công an huyện, các chủ rừng nhà nước và UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, triệt xóa những tụ điểm mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Sớm hoàn thiện các dự án sắp xếp, ổn định dân cư để ổn định đời sống và việc làm của người dân. Đẩy nhanh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, đặc biệt là diện tích rừng đang do UBND cấp xã quản lý, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ thực sự. Huyện sẽ khẩn trương hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại để những công ty này hoạt động có hiệu quả.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.