Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm quan hệ hữu nghị Đắk Lắk - Jeollabuk

06:17, 05/07/2022

Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động hợp tác giữa Đắk Lắk và tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) được nối lại qua chuyến thăm, làm việc của bà Lee Jeong Hwa, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế đến Đắk Lắk nhằm thống nhất, trao đổi, cụ thể hóa hơn những nội dung của Bản ký kết hợp tác mà hai bên đã ký năm 2017 để triển khai thực hiện hiệu quả hơn…

Ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp thì tỉnh Jeollabuk vẫn duy trì mối quan hệ, thể hiện tình cảm trách nhiệm khi tặng Đắk Lắk 20.000 khẩu trang nano trị giá gần 30.000 USD nhằm hỗ trợ chống dịch. Món quà ý nghĩa đến giữa lúc cao điểm dịch bệnh giúp Đắk Lắk có thêm vật tư thiết yếu trang bị cho những người ở tuyến đầu chống dịch.

Cùng thời điểm này, chính quyền tỉnh Jeollabuk thường xuyên tổ chức hội nghị trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, hiệu quả giúp Đắk Lắk nghiên cứu, áp dụng phù hợp với tình hình thực tế chống dịch tại địa phương.

Còn trước đó, kể từ khi đặt bút ký Bản ký kết hợp tác (vào tháng 12/2017), hai bên đã triển khai nhiều hoạt động ngoại giao đoàn giữa lãnh đạo tỉnh; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, tìm hiểu lịch sử hai địa phương; triển khai nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, qua đó giúp Đắk Lắk thu hút một số dự án đầu tư, nhận các khoản viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc với tổng trị giá hơn 11 triệu USD…

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên và Trường Phổ thông công nghiệp Jeonju. Ảnh: Thanh Hường

Trên cơ sở mối quan hệ hữu hảo đã gây dựng đó, ngay khi được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, bà Lee Jeong Hwa đã chọn Đắk Lắk làm điểm đến đầu tiên, không chỉ nhằm khám phá về mảnh đất giàu tiềm năng với những con người thân thiện, gần gũi mà còn hướng đến mục tiêu thắt chặt, nâng mối quan hệ gắn bó lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương. Cụ thể, trước mắt với vai trò là “cầu nối”, Phòng Hợp tác quốc tế nỗ lực, hỗ trợ lao động Đắk Lắk sang Hàn Quốc nói chung, tỉnh Jeollabuk nói riêng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn là lĩnh vực rất phù hợp với bản tính lao động cần cù, siêng năng của người Việt. “Jeollabuk có rất nhiều nông trại rộng lớn, nhu cầu lao động thời vụ rất cao mà Đắk Lắk có thể tranh thủ, tận dụng cơ hội, tạo việc làm cho nông dân. Jeollabuk cam kết phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nhập cảnh và cùng đồng hành, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trong quá trình làm việc tại đây”, bà Lee Jeong Hwa khẳng định.

Trong bối cảnh không ít lao động Đắk Lắk mất việc làm, không có thu nhập do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thì thông tin trên là hết sức ý nghĩa, cần thiết. Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Quang Thuân khẳng định, Đắk Lắk nhanh chóng xúc tiến, tăng cường tuyên truyền, phối hợp thống kê nhu cầu tuyển dụng của tỉnh bạn, sớm đưa người lao động tỉnh nhà xuất cảnh, tìm việc làm, tạo thu nhập ổn định.

Bà Lee Jeong Hwa (thứ nhất bên trái), Trưởng Phòng hợp tác quốc tế trao đổi các nội dung cụ thể triển khai phối hợp trong năm 2022.

Trên lĩnh vực hợp tác giáo dục, đào tạo nghề, bà Lee Jeong Hwa nhận định, kết quả hợp tác giữa Hội Cơ khí tỉnh Đắk Lắk với Hội Cơ khí tỉnh Jeollabuk (ký từ tháng 12/2018) cũng như giữa Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên và Trường Phổ thông công nghiệp Jeonju mới vừa ký còn khá khiêm tốn. Cụ thể mới có 12 chuyên gia, kỹ thuật công nghiệp cơ khí Đắk Lắk được hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề trong thời gian qua. Vì vậy, trong chuyến thăm, tìm hiểu, làm việc trực tiếp này, bà Lee Jeong Hwa đề xuất phương án hai trường có thể tạo cơ hội, cử đội ngũ giáo viên sang học tập, đào tạo, trao đổi lẫn nhau tại Trường Phổ thông công nghiệp Jeonju của tỉnh Jeollabuk và ngược lại nhằm phát triển tay nghề, nhất là ngành cơ khí của hai tỉnh theo định hướng khai thác hết tiềm năng, giúp làm chủ công nghệ, sản phẩm đáp ứng thị trường. Ý kiến này được Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên Y Khoa Niê Kdăm đồng tình ủng hộ, khẳng định ngoài ý nghĩa về chuyên môn thì đây chính là “kênh” quan trọng, giúp thắt chặt, củng cố hơn tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai địa phương.

Hai tỉnh có những nét khá tương đồng về văn hóa, truyền thống, nên lĩnh vực này cũng được đề cập đến trong chuyến làm việc. Theo đó, trong bối cảnh “bình thường mới”, sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cả hai bên phối hợp, tăng cường tổ chức các hoạt động kết nghĩa, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các địa phương trong tỉnh. Về phía Jeollabuk, vùng đất vốn được xem là "quê hương của nền nghệ thuật văn hóa truyền thống", nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn các di sản văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, các điệu hát dân ca Nam do, gảy đàn Ka-ya, múa trống. Còn Đắk Lắk là mảnh đất của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... Do đó hai bên có thể tạo cơ hội để hai nền văn hóa giao thoa, tiếp cận gần gũi nhau hơn. Điều đó được cụ thể hóa bằng hoạt động xúc tiến hợp tác hữu nghị, kết nghĩa giữa huyện Imsil của Jeollabuk và một trong 15 huyện, thị xã, thành phố mà Đắk Lắk lựa chọn, thực hiện ngay trong năm 2022 này.

Tin tưởng rằng những động thái mạnh mẽ, được cụ thể hóa qua các chương trình, hoạt động cụ thể, quyết tâm cao của cả hai bên, mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam – Hàn Quốc nói chung, Đắk Lắk – tỉnh Jeollabuk nói riêng sẽ ngày càng phát triển, đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.