Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa Đảng là đạo đức, là văn minh!

19:44, 01/01/2023

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Trong đó, nhiệm vụ thứ 5 là chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Với nhiệm vụ đặt ra cho thấy, xây dựng văn hóa Đảng không phải là điều gì cao xa, trừu tượng cả mà nó cần được thể hiện ngay trong đạo đức, lối sống, ý thức, trách nhiệm, thái độ ứng xử với công việc, cuộc sống hằng ngày của chính mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Thực tiễn đã chứng minh, ở địa phương, đơn vị nào mà cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò “đi trước, làm trước” trong các phong trào, hoạt động thì luôn có sức lôi cuốn mạnh mẽ, động viên được các tầng lớp nhân dân noi theo, làm theo.

Không nói đâu xa, ngay như trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ở các địa phương đã xuất hiện nhiều cán bộ, đảng viên luôn nêu gương sáng, sẵn sàng hiến đất, góp công, góp của để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh cũng như ra sức vận động nhân dân tham gia tích cực. Trách nhiệm, vai trò, những nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích của tập thể, cộng đồng lên trên hết, trước hết của người đảng viên đã tạo niềm tin trong nhân dân, thể hiện văn hóa Đảng một cách sâu sắc nhất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung thăm hỏi người dân xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) trong Ngày hội Đại đoàn kết của xã Ea Tiêu. Ảnh: Vạn Tiếp

Thế nhưng, ngược lại, nếu có những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, không lo việc chung của cộng đồng mà luôn tìm cách thoái thác, hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tư lợi thì chắc chắn cũng đánh mất lòng tin trong dân vào Đảng không ít. Nói như vậy để thấy, xây dựng, thể hiện, phát huy văn hóa Đảng cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, đảng viên hằng ngày phải luôn soi rọi vào việc làm, hành động, lời nói của chính mình.

Trong thực tế lịch sử đấu tranh cách mạng, hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, đảng viên của Đảng đã hy sinh anh dũng, trong sáng vì nghĩa lớn, được nhân dân cảm phục, tin yêu, trân trọng, góp phần to lớn trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để lợi ích nhóm tiêu cực tha hóa thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng văn hóa Đảng, tạo niềm tin trong nhân dân. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và nhân dân ta đòi hỏi phải phát huy cao độ năng lực, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn. Hơn nữa, trước thực trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng ngày càng “phổ biến hơn, tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn”, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng củng cố, chỉnh đốn, xây dựng văn hóa trong Đảng.

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã nhấn mạnh đến việc chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên.

Qua đó cho thấy, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu quan trọng trong công tác lãnh đạo, thể hiện văn hóa của Đảng.

Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp luôn là những biểu hiện thực tế, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, xã hội của Đảng. Các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên và đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa. Bằng trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh, đạo đức, ý thức, trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về văn hóa cũng như vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Với quyết tâm chính trị, ý thức trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục ra sức nỗ lực, đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính là góp phần xây dựng văn hóa Đảng một cách thiết thực, ý nghĩa nhất.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.