Multimedia Đọc Báo in

Phương Nam du ký (bài 2)

05:38, 14/01/2024

Bài 2: Trải nghiệm Bạc Liêu

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với giai thoại về công tử Bạc Liêu giàu sang nức tiếng mà còn là vùng đất với những trải nghiệm rất thú vị về văn hóa như đờn ca tài tử, về bản sắc các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa…

Sắc màu văn hóa Bạc Liêu

Bạc Liêu chính là quê hương của nhạc sĩ nổi tiếng Cao Văn Lầu, tác giả của bài “Dạ cổ hoài lang” lừng danh. Nhằm tưởng nhớ, vinh danh người nhạc sĩ tài hoa, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng nhà hát mang tên Cao Văn Lầu với hình ảnh ba chiếc nón lá. Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh, hình ảnh ba mái nhà nón lá chụm lại với nhau còn là biểu tượng cho ba dân tộc đông người nhất cộng cư lâu đời ở Bạc Liêu là người Kinh, người Hoa và người Khmer.

Tuy không đa dân tộc cùng sinh sống như nhiều nơi ở Tây Nguyên nhưng Bạc Liêu vẫn là một địa phương giàu bản sắc với sự cộng cư, cộng hưởng của ba dân tộc chính là Kinh, Khmer và Hoa. Trong quá trình sinh sống, các dân tộc vẫn chung lưng đấu cật, giao cảm, giao hòa nhưng vẫn giữ được bản sắc độc đáo của mình.

Tham quan Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu.

Sau khi bách bộ trên đường phố ở TP. Bạc Liêu, chúng tôi ghé đến một địa chỉ rất quan trọng về lịch sử, văn hóa vùng đất này: Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu ở số 25 đường Hai Bà Trưng. Bảo tàng chứa đựng nhiều cổ vật quý giá về lịch sử, khảo cổ cho những ai quan tâm đến thời kỳ Óc Eo, xứ Thủy Chân Lạp, Phật giáo Nam Tông… Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Phượng vừa dẫn chúng tôi đi tham quan, vừa giới thiệu. Sau khi nói qua đôi nét về hai dân tộc dân tộc Kinh và Khmer, chị thuyết minh về cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu: “Người Hoa đến đây chủ yếu là những người phiêu dạt sang nước ta (chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ) khi nhà Thanh lên nắm quyền thống trị ở Trung Quốc với mong mỏi phản Thanh, phục Minh. Người Hoa dù đi đâu cũng không bao giờ đánh mất bản sắc dân tộc mình. Cứ nhìn những hiện vật trong bảo tàng này như đòn gánh, thùng đựng hàng, trang phục… cũng đủ thấy họ đã gìn giữ bản sắc tốt như thế nào. Dù ý thức giữ bản sắc văn hóa rất cao nhưng bà con người Hoa ở Bạc Liêu và các địa phương khác tại Việt Nam vẫn luôn hòa đồng các dân tộc khác, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

Thăm nhà công tử Bạc Liêu

Đến Bạc Liêu, không thể không đến thăm ngôi nhà lưu niệm công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919.

Ngôi nhà này và sự giàu có của công tử Bạc Liêu có lẽ báo chí đã nhắc đến nhiều. Kiến trúc và những đồ đạc sang trọng, xa hoa trong ngôi nhà cho thấy chủ nhân gia đình công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy giàu có đến mức phú gia địch quốc và thích thể hiện nên mới có được công trình này. Dù sao đời sau cũng còn lại một công trình kiến trúc giá trị với những hiện vật ghi dấu ấn một thời.

Chỉ xin nhắc lại một điều mà chính nữ hướng dẫn viên tại địa điểm này đã nhấn mạnh: “Công tử Bạc Liêu thì quá giàu và chơi ngông nên để lại nhiều giai thoại, có cái thực cái hư. Dân gian nhiều khi thêm thắt, hư cấu thêm nên chúng ta cần cân nhắc kỹ tiếp nhận thông tin. Chẳng hạn như không hề có chuyện Hắc công tử với Bạch công tử đốt tiền nấu trứng, chuyện này người ta thêu dệt thêm mà thôi”.

Du khách nghe kể chuyện về công tử Bạc Liêu

Vậy đi thăm nhà công tử Bạc Liêu, ngoài việc tận mắt chứng kiến sự giàu có ngất trời và một công trình kiến trúc có giá trị, thỏa mãn tính kiếu kỳ thì người xem sẽ thu hoạch thêm những gì? Câu hỏi có vẻ hơi cắc cớ nhưng ngẫm lại thấy có cơ sở.

Theo người viết bài này, đến đây để thấy rõ hơn khoảng cách giàu có và nghèo khổ ngày trước  đến mức nào, thấy sự xa hoa, phung phí như đế vương của những đại điền chủ ăn trên ngồi trốc trên lưng tá điền. Chính vì vậy dân nghèo mới đồng lòng đi làm cách mạng, giải phóng đời mình, từng bước xóa bỏ bóc lột, bất công, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là chính là mục tiêu cao đẹp, trước sau như một của những cuộc cách mạng chân chính và triệt để, để ước mơ, hy vọng của bao người sớm trở thành hiện thực.

(Còn nữa)

Bài 3: “Nghe nói Cà Mau xa lắm...”

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc