Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk lấy đà tăng tốc

05:37, 14/01/2024

Năm 2023 được xem là năm bản lề để ngành du lịch Đắk Lắk lấy đà tăng tốc nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng và tiếp tục khẳng định vị thế của mình đến năm 2030 sẽ đóng vai trò “mũi nhọn” thúc đẩy bước phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế, xã hội của địa phương.

Tín hiệu lạc quan

Theo ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), năm 2023 mức tăng trưởng của ngành kinh tế này khá ấn tượng so với những năm trước đó. Lượng du khách đến Đắk Lắk trong năm là 1.160.000 lượt, đạt 110,48% so với kế hoạch, tăng hơn 16% so với năm 2022 và tăng trên 25% so với những năm xảy ra đại dịch COVID-19. Đáng kể nhất là lượng khách du lịch quốc tế đến Đắk Lắk không những đạt mà còn vượt kế hoạch đặt ra với gần 30.300 lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2022. Nhờ vậy đã nâng tổng doanh thu toàn ngành lên hơn 925 tỷ đồng, con số cao nhất trong vòng 10 năm qua. 

Danh thắng thác Drai Dlông (huyện Cư M'gar) đã được khảo sát, kết nối nhằm kiến tạo không gian du lịch đa dạng phục vụ nhu cầu trải nghiệm cho du khách. Ảnh: Quang Khải

Đạt được mức tăng trưởng ấy là nhờ “cú hích” từ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - năm 2023 mang lại, cùng hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao mà Đắk Lắk được đăng cai tổ chức (Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023; Giải Đua xe địa hình tại Buôn Đôn; Đua xe đạp Cúp truyền hình thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 35 với chủ đề “Non sông liền một dải”; Giải vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc; Giải quần vợt vô địch đồng đội quốc gia năm 2023...) đã thu hút lượng khách đáng kể đến với vùng đất này. Song, nói như người đứng đầu ngành VH-TT&DL Đắk Lắk - ông Thái Hồng Hà rằng: Thành quả ấn tượng trên có được, sâu xa mà nhìn nhận là dựa vào sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn, đi kèm với nhiều giải pháp kích cầu linh hoạt và có hiệu quả của các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

 

“Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn Đắk Lắk đều trong tâm thế sẵn sàng cho năm du lịch 2024 với nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch được đầu tư có chiều sâu, chất lượng và mang tính chất liên kết bền chặt hơn để không những đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn nâng cao thời gian lưu trú, chi tiêu của khách hàng khi đến đây” – Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk.

Theo ông Thái Hồng Hà, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như làm mới sản phẩm tại hầu hết điểm đến, tour/tuyến du lịch trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách thì những giải pháp đưa ra kịp thời, xuyên suốt của các cơ quan, đơn vị chức năng như nối lại và mở rộng biên độ xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk, tìm kiếm thị trường mới trong nước và khu vực ASEAN…đã góp phần thúc đẩy bước tăng trưởng cho ngành du lịch của tỉnh trong năm 2023 cũng như trong thời gian tới. Với đà tăng trưởng này, ngành du lịch Đắk Lắk đặt ra mục tiêu đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi. Hiện nay, tất cả 21 điểm đến cùng 25 đơn vị lữ hành nội địa và quốc tế, cũng như toàn bộ cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm trên địa bàn tỉnh đã khởi động mạnh mẽ, tự tin đón du khách đến với Đắk Lắk trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và những tháng tiếp theo.

Mở rộng, kết nối không gian du lịch

Bà Lê Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch Đắk Lắk cho biết: Trong quý I năm 2024, Sở VH-TT&DL phối hợp với các đơn vị hoàn tất việc thực hiện truyền thông, quảng bá văn hóa, đặc sản, ẩm thực, danh thắng trên địa bàn đến với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là xây dựng, thúc đẩy chương trình tour du lịch tiếng Trung - Hàn phục vụ du khách ở hai quốc gia giàu tiềm năng này. Theo đó, tổ chức khảo sát, hướng dẫn phát triển tuyến/điểm, sản phẩm du lịch mới trên địa bàn các huyện, thị xã trọng điểm như Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Hồ… nhằm kiến tạo không gian du lịch đồng bộ, bao trùm, giúp các khu du lịch đã được đầu tư xếp hạng cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia là TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn và huyện Lắk kết nối, bứt phá một cách liên tục và mạnh mẽ hơn. 

Du lịch chèo thuyền vượt thác tại cụm thác Drai Nur - Gia Long. Ảnh: Hữu Hùng

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, điểm nhấn của du lịch Đắk Lắk vẫn là Buôn Ma Thuột - thành phố cà phê của thế giới. Từ đây thúc đẩy những “vệ tinh” xung quanh phát triển hơn với các sản phẩm phong phú, đặc thù. Đó là ẩm thực, tìm hiểu và trải nghiệm vốn văn hóa bản địa tại khu du lịch văn hóa - sinh thái cộng đồng Kô Tam, buôn Akô D’hông, buôn Tăng Jú, khu du lịch sinh thái Suối Ong (TP. Buôn Ma Thuột); du lịch mạo hiểm, sinh thái tại Cụm thác Dray Nur - Gia Long (huyện Krông Ana), Trung tâm Du lịch Bản Đôn, khu du lịch sinh thái Ánh Dương, Thanh Hà, Troh Bưh (huyện Buôn Đôn) và Vườn Quốc gia Yok Don; trải nghiệm với đời sống sản xuất, chế biến cà phê cùng nền nông nghiệp sạch, đặc sản của Công ty Thương mại - Du lịch Đam San. Có thể nói, đây là những điểm nhấn hấp dẫn để thu hút du khách tìm đến trong thời gian tới, qua đó tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh về con người và vùng đất Đắk Lắk giàu bản sắc trên bản đồ du lịch miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc