Multimedia Đọc Báo in

Ai cũng có những người thầy đầu tiên

08:15, 26/11/2021

Hơn 20 năm trước, điều kiện các buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo còn nhiều khó khăn, nhiều bậc cha mẹ còn mải bám rẫy, bám rừng để kiếm cái ăn mà chưa quan tâm đến việc học hành của đàn con nheo nhóc.

Dưới sự dìu dắt tận tâm của các thầy cô bám lớp, bám trường ngày ấy, những đứa trẻ vốn quen với chăn bò, bắt cá, thả diều như anh Ksơr Y Tiến (buôn H’Wing) đã dần quen với con chữ phổ thông, các phép tính cộng trừ và ngày càng thêm nỗ lực để chạm đến ước mơ, góp sức đổi thay buôn làng…

Nhớ lại buổi đầu đi học, anh Ksơr Y Tiến kể, buổi sáng hôm ấy, khi anh còn mải theo đám bạn đi tắm suối thì dượng (chồng của dì) gọi về, đưa đến trường để xin được vào lớp. Anh chưa hề hình dung được việc đi học sẽ như thế nào, chỉ biết rụt rè ngồi vào bàn rồi lấy vở nguyệch ngoạc những nét bút đầu tiên.

Anh Ksơr Y Tiến đã tốt nghiệp Cử nhân sư phạm Hóa tại Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trường tiểu học của xã bấy giờ còn thiếu thốn đủ bề. Phòng học tạm bợ được dựng nên từ các tấm gỗ tạp, mái lợp tôn lấm tấm lỗ thủng. Bảng đen của lớp là những tấm ván bào nhẵn ghép lại, mỗi ngày đi học, đám học sinh lại phải đi tìm thân cây chuối đập dập cùng than pin quét lên mặt bảng để khi thầy cô viết, con chữ bằng phấn trắng được nổi rõ ràng hơn. Khối lớp 1 được phân thành 3 lớp nhưng chỉ có một phòng học nên phải phân thành 3 ca sáng, trưa, chiều với 3 thầy, cô phụ trách. Đám trẻ đồng trang lứa với anh Y Tiến có thể tự đến lớp và học ca nào tùy thích, nhiều bạn còn mặc quần đùi, đi chân đất, miễn chịu học chữ, học toán là các thầy cô vui rồi.

Để níu chân đám học trò dân tộc thiểu số từ các buôn làng đến với lớp học, các thầy cô đều rất “dễ tính”, hiếm khi nào thấy thầy cô trách phạt, la mắng học sinh và luôn kiên nhẫn dạy bảo, uốn nắn từng chút một. Từ việc rèn học sinh cầm viết cho đúng, viết cho thẳng hàng, đến cả việc giữ đôi tay cho sạch sẽ, chải tóc cho gọn gàng…, nỗi vất vả của các thầy cô không kể sao cho hết. Có bài học, thầy cô phải dạy đi dạy lại đến ba, bốn lần mà học sinh vẫn chưa thuộc chữ, chưa hiểu bài…

Anh Y Tiến nhớ nhất là kỷ niệm lần đầu tiên và duy nhất bị thầy cô phạt trong suốt quãng thời gian đi học. Mặc dù đi học muộn, mãi đến 8 tuổi mới vào lớp 1 nhưng anh Y Tiến rất sáng dạ và ham thích được đến trường. Những ngày đi học, anh gần như có mặt đầy đủ trong suốt cả 3 ca học để được nghe thầy cô giảng bài nhiều hơn, nhanh thuộc mặt chữ hơn. Với một đứa trẻ đang tuổi lớn nhưng nhà rất nghèo, thường ăn không đủ no, việc bám lớp nhiều giờ liền không tránh khỏi những lúc quá mệt.

Hôm ấy, khi cô giáo Nguyễn Thị Chiên đang cho các bạn đọc bài thì thấy anh Y Tiến gục xuống bàn ngủ gật. Bị cô phạt, dùng thước đánh vào mông để nhắc nhở, anh òa khóc. Cô giáo không biết tiếng Êđê nên không biết dỗ dành anh thế nào, bèn nắm lấy đôi bàn tay gầy gò, cáu bẩn của anh mới biết cả người anh đang nóng ran do bị sốt. Anh Y Tiến bồi hồi: “Thấy cô lặng người đi, đôi mắt rưng rưng, mình đoán cô thương học trò và ân hận về cơn nóng giận vừa rồi liền nín khóc và càng thấy thương cô hơn”.

Những tiết học đánh vần ngày mới đến trường luôn có sự chỉ dạy, uốn nắn tận tình của cô giáo.

Những ngày tháng ấu thơ cùng niềm ngưỡng mộ, lòng biết ơn các thầy cô giáo đã thôi thúc đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở một buôn nghèo ước mơ được theo ngành Sư phạm, nối bước cùng các thầy cô mang con chữ đến các vùng sâu, vùng xa. Và dù hoàn cảnh gia đình buộc anh phải rẽ sang con đường khác khi đã có bằng cử nhân sư phạm nhưng anh vẫn luôn tự hào vì mình vẫn đang được góp sức đổi thay quê hương từ nền tảng là những kiến thức mà các thầy cô trao gửi.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.