Multimedia Đọc Báo in

Nhớ một thời hoa lửa của ngành giáo dục Đắk Lắk

08:28, 25/11/2021

Năm 1972, tôi được lệnh vào Nam chi viện cho chiến trường. Rèn luyện mấy tháng ở Trường 105 của Ban Thống nhất Trung ương đóng tại Hòa Bình, chúng tôi tập đeo gạch, bắn súng, leo núi.

Đoàn chi viện của tôi gồm 4 người: Trần Ngọc Miện ở Thái Nguyên, Nguyễn Quang Cản, Vũ Đình Tiến và tôi ở Hà Tây. Sau 102 ngày leo đèo vượt suối, chúng tôi vào tới Đắk Lắk. Tôi được phân công về H9 (Krông Bông), Trần Ngọc Miện về H10 (Lắk), Nguyễn Quang Cản về Trường Sư phạm, Vũ Đình Tiến về Trường Bổ túc Văn hóa.

Ngày chia tay thật bịn rịn. Chẳng có gì tặng nhau, anh Miện chặt cây chuối non bên đường, bẻ đôi nõn chuối tặng tôi một nửa và nói: “Chúc mạnh khỏe, còn sống về với vợ con!”.

Khi Trường Sư phạm xong khóa học, Nguyễn Quang Cản được về H9. Trường Bổ túc Văn hóa từ H9 chuyển sang H5, Vũ Đình Tiến về H9. Cùng Ama Tuyên và một số đồng chí khác được tách khỏi Ban Tuyên giáo thành cơ sở riêng của Ban Giáo dục H9, tôi được cử làm Trưởng ban.

Súng và dao quắm là hai thứ gắn bó. Một để phòng thú dữ và biệt kích, một để phát rẫy tự túc lương thực. Có lần đi tuốt lúa bằng tay, Tiến bị mấy con vắt đốt từ môi trên xuống môi dưới mà không biết. Đến lúc muốn nói chuyện mới biết vắt đã ghim chặt hai môi, dứt ra thấy máu đỏ lòm cả răng, miệng.

Chúng tôi thường thay nhau đi cơ sở, đến khắp các buôn làng Krông Bông. Có lúc cơ quan không còn người ở nhà. Mỗi người một ba lô nên nhà trống không. Mấy năm ở rừng chỉ duy nhất mất một lọ mực gần hết với bức thư để lại trên bàn, có cục đá chặn lên: “Kính gửi anh Chỉnh, biết anh ở Giáo dục nên dễ tìm mực. Tôi mượn tạm của anh. Hẹn ngày tái ngộ!”. Đến nay tôi vẫn không biết người mượn mực là ai.

Ông Hà Ngọc Đào (bìa phải) Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT kể về những kỷ niệm của các nhà giáo - chiến sĩ thời chống Mỹ. Ảnh: Lan Anh

Có một lần tôi bị tuột dép ở suối Đắk Tua. Kỷ niệm này đã được Vũ Đình Tiến kể lại trong bài “Những lần đi cơ sở” in trong tập “Giáo dục Đắk Lắk thời chống Mỹ”, xin trích lại bài của anh để đảm bảo tính chân thực: “Chuyến đi Trường Học sinh Dân tộc nội trú buôn Khanh: Chuyến này tôi đi cùng với anh Chỉnh – Trưởng ban Giáo dục H9, khi lội qua suối Đắk Tua nước chảy xiết lại sâu. Đang lội giữa dòng bỗng anh Chỉnh hô lớn: “Tuột mất chiếc dép rồi!”. Anh vội vàng lên bờ và chạy một mạch xa hàng cây số đón đầu dòng nước và lấy lại được chiếc dép. Lấy lại được chiếc dép, hai anh em chúng tôi mừng hết chỗ nói vì lúc đó ở chiến trường, đôi dép còn quý hơn cơm gạo”. Bây giờ nói lại thì dễ nhưng lúc đó phải phán đoán suối chảy về hướng nào, chỗ nào không có dốc, lòng suối rộng nước chảy lờ đờ để… đón dép.

Tôi phụ trách chung nên đi nhiều. Có chút mê văn chương, báo chí nên có thời gian đóng chốt ở Khuê Ngọc Điền để tìm hiểu về đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng. Tôi dạy học một lớp ghép có đủ trình độ của cấp 1, từ học sinh tập viết đến viết chính tả và làm toán. Lớp học khoảng hai mươi em. Tôi nhớ cháu Thu, con chị Chín Kiển. Cách đó mấy năm nhà cháu bị pháo địch bắn khi đang ăn cơm, bố bị chết, mẹ bị mù, cháu bị điếc tai nên chậm chạp. Khi nghe giảng mắt mở to tròn, nhìn miệng người nói mà đoán ý. Thế mà có năm dắt mẹ chạy giặc càn quét tới 19 lần, cùng dân làng vào hang núi. Tôi đã viết bài “Dắt mẹ lánh càn” có câu: “Ôi một năm 19 lần chạy giặc/ Mẹ mù lòa, dắt mẹ lánh rừng sâu!”. Tôi nhớ các em Nghị, Hòa, Công, Hoàng, Quỵt… dù đói mệt vẫn đến lớp đều đặn. Bàn học bằng nan tre ken mây. Ghế ngồi là cây lồ ô pha đôi. Bảng cong vênh, lấy nhọ nồi trộn với lá khoai môn để thành màu đen. Phấn viết từ những thỏi sắn (củ mì) phơi khô. Phấn màu là đá đỏ lấy từ chân núi Chư Yang Sin. Cả H9 và những H khác có một thời như thế!

Cùng với dạy lớp trẻ đói chữ, tôi càng khâm phục việc xóa mù chữ ở vùng căn cứ. Đường từ Thăng Lễ đi Khuê Ngọc Điền các cây lớn đều khắc chữ để mọi người đi qua nhận biết mặt chữ cái và cả chữ ghép. Tôi có cảm ứng: “Chữ theo cây mọc khắp đường dài!”. Tôi đã kể lại việc này gửi in báo Người giáo viên nhân dân. Ở vùng căn cứ, tôi làm nhiều thơ để ít mất thời gian lại dễ tuyên truyền, cổ động. Hầu như đến nơi nào tôi cũng làm thơ về miền đất đó.

Có lần từ cơ quan Giáo dục H9 đi Thăng Lễ, tôi bị sốt rét ác tính giữa đường. Tôi nghĩ: “Buông xuôi là chết!”, thế rồi đẩy súng và ba lô, trườn lên cả phân voi, phân heo rừng mà lết. May mắn lạc vào xưởng quân giới ở rừng le gần Thăng Lễ. Lúc đó có hai người là anh Sửu (người Thái Bình), anh Hoàng (người Đắk Lắk) làm nhiệm vụ cưa phá bom đạn địch lấy thuốc nổ chế tạo mìn. Các anh đo thân nhiệt cho tôi nóng tới 40 độ C. Một tuần liền, các anh lấy bắp non luộc lên lấy nước cho tôi uống mới khỏe lại. Thời ở rừng ăn uống kham khổ. Chim, thú phá rẫy lại bị máy bay địch rải chất độc hóa học. Mỗi khi bị chất chết trắng rải xuống, phải lao nhanh ra chặt hết cây sắn để chất độc không lan xuống củ. Về bắp, đã có hẳn nghị quyết: “Không được ăn bắp non, vì tốn nhiều bắp”. Chúng tôi gọi vui thời gian này là “trường ca sắn”: sắn nướng, sắn luộc, sắn nấu cơm, canh lá sắn, dưa muối đọt sắn.

Cựu giáo chức thời kháng chiến chống Mỹ tham quan Phòng Truyền thống ngành giáo dục Đắk Lắk. Ảnh: Lan Anh

Anh Hoàng Đức Hiển quê ở Hải Phòng là Hiệu trưởng Trường Nội trú của tỉnh, đã bò vào trường trong đêm tối chỉ để lấy mấy cuốn sách giáo khoa, vì biết sáng hôm sau địch rút sẽ đốt trường. Ngoài các đồng chí lãnh đạo tỉnh phụ trách ngành giáo dục qua các thời kỳ, Đắk Lắk được miền Bắc chi viện 27 cán bộ, giáo viên chia làm năm đợt từ năm 1960 đến 1973. Cùng với số chi viện, có những người trưởng thành từ cơ sở hoặc ngành khác chuyển qua là 93 người. Tổng số là 120 người.

Ngành giáo dục Đắk Lắk có bốn liệt sĩ chống Mỹ, đó là các nhà giáo: Nguyễn Đức Siêu, quê Bình Định, vào Đắk Lắk năm 1960, hy sinh năm 1967; Cao Thành, quê ở Quảng Ngãi, hy sinh năm 1966; Trần Văn Chắc quê ở Quảng Nam, hy sinh năm 1972; Nguyễn Thị Nhâm quê ở Quảng Nam, hy sinh năm 1972.

Hồi ức về một thời hoa lửa của sự nghiệp giáo dục Đắk Lắk càng nhớ càng thương thế hệ thầy trò từng đói, đau, nhạt muối để càng vui khi ngày nay Đắk Lắk đã có nhiều trường chuẩn quốc gia, mạng lưới trường, lớp học phủ đến tận thôn, buôn vùng sâu…

Tháng 11/ 2021

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.