Multimedia Đọc Báo in

Làm video giúp trẻ mầm non học tại nhà

06:28, 08/11/2021

Trong thời gian học sinh mầm non nghỉ học do dịch bệnh COVID-19, Trường Thực hành sư phạm mầm non Hoa Hồng (thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk) đã xây dựng các video ngắn, trực quan, sinh động nhằm hỗ trợ trẻ vừa học, vừa chơi tại nhà.

Dù không đến lớp giảng dạy, nhưng từ đầu năm học 2021 – 2022 đến nay, cô Phan Thị Ngọc Loan, giáo viên lớp Chồi 2 luôn bận rộn với công việc chuyên môn. Để thực hiện video dạy trẻ vẽ hình động vật, trên bàn làm việc của cô giáo Loan chuẩn bị sẵn giấy màu cùng một vài dụng cụ như: thước kẻ, kéo, bút… Và chỉ sau vài thao tác đơn giản, những con cá, con hươu cao cổ lần lượt hình thành.

Do không có thiết bị quay phim chuyên dụng nên cô Loan sử dụng điện thoại cá nhân để quay bài học. Từ cách đặt điện thoại, góc máy đến điều chỉnh giọng nói, hướng nhìn cô đều phải tìm hiểu từ mạng Internet và đồng nghiệp. Theo cô Loan,  trẻ mầm non là lứa tuổi hiếu động, thích khám phá, vì vậy điều quan trọng nhất là nội dung video phải sinh động, tạo không khí vui nhộn, gần gũi với trẻ, qua đó giúp trẻ phát triển nhận thức, thẩm mỹ, nhất là giáo dục kỹ năng cho trẻ.

Cô Phan Thị Ngọc Loan, giáo viên Trường Thực hành Sư phạm mầm non Hoa Hồng đang quay video dạy học tại nhà.

Để chuỗi ngày nghỉ phòng dịch COVID-19 không bị trôi đi trong lãng phí, ngoài thời gian quay video hướng dẫn trẻ vui chơi tại nhà, cô Loan còn nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều đồ chơi từ phế liệu cho trẻ mầm non. Dưới bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của cô, những hộp giấy, các loại vỏ lon, chai nhựa… đã trở thành những món đồ chơi hấp dẫn với trẻ. Đây cũng là món quà cô sẽ dành tặng cho học sinh để các em cảm thấy phấn chấn, hân hoan khi trở lại trường sau thời gian dài ở nhà phòng, chống dịch bệnh.

Với chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, cô Nông Thị Xuân, giáo viên lớp Lá 2 đã phát huy thế mạnh này vào các video do mình thực hiên. Mặc dù với thời lượng khoảng 3 - 5 phút nhưng để hoàn thành được một video gửi cho học sinh, cô Xuân tốn rất nhiều thời gian. Trước tiên là lựa chọn hoạt động phù hợp với nhóm tuổi, xây dựng kịch bản, viết lời dẫn, quay hình, tiếp đến là xử lý hậu kỳ để thành một bài giảng hoàn chỉnh, bảo đảm 4 yếu tố: theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT, có tính khoa học, tính thực tiễn và tính giáo dục cao.

Cháu Nguyễn Bình Minh, học sinh Trường Thực hành Sư phạm mầm non Hoa Hồng theo dõi video do cô giáo thực hiện.
 
Mặc dù các hoạt động giảng dạy trực tiếp bị tạm dừng nhưng Ban Giám hiệu nhà trường luôn khuyến khích giáo viên có những hoạt động dạy học thiết thực giúp học sinh có những ngày nghỉ bổ ích, lý thú." 
 
Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Thực hành Sư phạm mầm non Hoa Hồng.

Cô Xuân chia sẻ: “Mỗi lần quay video mất khoảng 45 phút. Ngoài việc chuẩn bị trang phục chỉnh chu, gọn gàng, tôi còn phải tập dượt nhiều lần trước khi quay. Do phải tận dụng không gian nhà ở làm nơi dạy học nên không ít lần quay gần xong tôi phải làm lại từ đầu vì bị tạp âm như: tiếng gà gáy, chó sủa, còi xe, thậm chí tiếng chồng, con gọi”.

Các video sau khi dựng hoàn chỉnh được giáo viên gửi lên nhóm Zalo của lớp. Sau đó, phụ huynh tải về cho trẻ xem, hướng dẫn làm theo cô giáo và gửi hình ảnh các cháu thực hiện cho giáo viên. Đây chính là sự gắn kết giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh vừa giúp trẻ có những hoạt động bổ ích khi ở nhà. Mặc dù trẻ chỉ được nhìn thấy cô giáo trên màn hình điện thoại, máy tính nhưng rất nhiều em tỏ ra thích thú như đang được học trên lớp.

Chị Nguyễn Thị Thanh, ở phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) phụ huynh cháu Nguyễn Bình Minh trò chuyện: “Tôi thấy các video của giáo viên gửi qua Zalo được con trẻ rất thích. Tôi thường cho con xem vào buổi tối, đây là cách giúp con vừa học, vừa chơi hiệu quả. Đối với trẻ nhỏ việc ba mẹ học tập cùng con rất quan trọng, vì vậy các phụ huynh nên dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày để đọc sách, vui chơi với con như những người bạn".

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc