Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

07:55, 28/04/2022

Nằm ở trung tâm Tây Nguyên - vùng đất giàu tiềm năng, kết hợp với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, Đắk Lắk đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Những năm qua, Đắk Lắk luôn chú trọng đến công tác thu hút, kêu gọi đầu tư và Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 diễn ra vào ngày hôm nay (28/4) là một điểm nhấn để các doanh nghiệp, tập đoàn đến tìm hiểu để hợp tác đầu tư. Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Báo Đắk Lắk đã ghi lại những kỳ vọng, mong muốn cũng như những ý kiến đề xuất của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

♦ Thu hút đầu tư có chọn lọc đối với lĩnh vực lâm nghiệp

 

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk

Với quan điểm chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hiện nay, một số lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm là năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.

Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với 13 dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tổng vốn đầu tư hơn 1.703 tỷ đồng. Đắk Lắk cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển nông lâm kết hợp và chế biến gỗ; chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng và coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, địa phương cần thu hút đầu tư có chọn lọc, hạn chế các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất, rừng, nguồn nước; không khuyến khích các dự án ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và ưu tiên dự án nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững.

 

 

♦ Cần có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc về đất đai

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn

Khu vực Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng sở hữu những lợi thế về khí hậu, đất đai cùng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư đồng bộ phù hợp với chiến lược phát triển chuỗi dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng khá tốt, đặc biệt là chính quyền các cấp rất tạo điều kiện cho các tập đoàn xây dựng dự án đầu tư. Nhờ đó, cuối tháng 9/2020, Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk (tại xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar) của Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) được khởi công xây dựng, với quy mô 200 ha. Đây cũng là dự án chăn nuôi heo lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Đến tháng 9/2021, Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thiện và đi vào hoạt động.

Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác của tỉnh Đắk Lắk trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được triển khai và đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt là đã cùng nhà đầu tư giải quyết các vấn đề đất đai liên quan đến dự án. Tuy nhiên, qua đây cũng cho thấy vướng mắc lớn của Tây Nguyên cũng như của Đắk Lắk chính là mặt bằng “sạch” để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và thiết nghĩ rằng, để biến tiềm năng phát triển nông nghiệp và ngành công nghiệp đi kèm (công nghiệp chế biến) thành thế mạnh của tỉnh thì bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách ưu đãi, Đắk Lắk cần quy hoạch quỹ đất dành cho các dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghiệp cao, xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao được giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

 

♦ Cần sự bắt tay của doanh nghiệp

 

Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình hiện là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện Krông Bông có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã xây dựng được 2 tổ liên kết tại xã Khuê Ngọc Điền và xã Hòa Sơn, 4 tổ hợp tác tại xã Cư Kty, Hòa Tân, Ea Trul và xã Yang Reh, với tổng số thành viên là 580, tổng diện tích liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm khoảng 400 ha. HTX đã thực hiện tốt được các khâu trong chuỗi liên kết gồm: khâu cung ứng đầu vào (lúa giống, bơm tưới, làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp, thu hoạch); khâu sản xuất (quản lý lịch thời vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật); khâu thu gom và khâu tiêu thụ. Việc thực hiện đồng bộ các khâu cải thiện rất nhiều năng suất, độ đồng đều của sản phẩm. Đặt biệt, HTX liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao với giống ST24, ST25, và sản xuất ra sản phẩm Gạo Sạch Thăng Bình HTB đạt chứng nhận 4 sao OCOP cuối năm 2020. Ngoài ra, HTX còn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, với tổng kinh phí đầu tư trên 13 tỷ đồng...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất HTX đang gặp phải là nguồn lực tài chính còn nhiều hạn hẹp, tiếp cận những nguồn vốn vay lớn rất khó, lãi suất tiền vay cao, khiến kế hoạch đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, việc tìm chọn được mối liên kết ổn định với các doanh nghiệp uy tín, có tiềm năng về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa ổn định.

Với tiềm năng phát triển lúa gạo chất lượng cao của Đắk Lắk rất lớn, do đó, thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp lần này, HTX mong muốn sẽ có những doanh nghiệp quan tâm các dự án về lúa gạo đến hợp tác đầu tư theo chuỗi với HTX để biến những cánh đồng sản xuất lúa nước trên địa bàn huyện thành vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao và được chế biến thành những sản phẩm gạo có giá trị để xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm lúa.

 

♦ Kỳ vọng liên kết mở rộng quy mô sản xuất

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods - huyện Krông Pắc

 

Khởi nghiệp với sản phẩm Trà mãng cầu Nguyễn Văn từ năm 2018, bản thân tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các sở, ngành, địa phương trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường. Đến nay, sản phẩm Trà mãng cầu Nguyễn Văn đã có mặt ở nhiều thành phố lớn trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc; nhà xưởng đạt chứng nhận ISO 22000 và HACCP.

Thời gian tới, cơ sở tiếp tục nâng cấp vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ và mở rộng quy mô về nhà xưởng chế biến. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiếp cận nguồn vốn vay, các đối tác đầu tư… dẫn đến các kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ đang bị ách tắc.

Lĩnh vực chế biến các sản phẩm trái cây thành những thức uống tốt cho sức khỏe đang còn dư địa lớn. Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022, sẽ có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu các lĩnh vực thu hút đầu tư về nông nghiệp. Do đó, tôi hy vọng sản phẩm mình được nhiều người biết đến và đặc biệt là sẽ tìm được đối tác phù hợp để liên kết mở rộng quy mô sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm tốt hơn.

Thuận Thông  (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.