Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập cao nhờ trồng dổi lấy hạt

08:11, 21/04/2022

Nhờ nhạy bén, tích cực chuyển đổi trong quá trình sản xuất, gia đình anh Phạm Trí Thư (thôn 7, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng cây dổi lấy hạt.

Gia đình anh Thư có 2 ha trồng cà phê, nhiều năm thu hoạch nên cây trồng dần già cỗi, năng suất thấp, thêm vào đó giá cà phê giảm mạnh đã gây khó khăn cho kinh tế của gia đình. Nhiều lần vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, anh nhận thấy mô hình trồng cây dổi trên địa bàn xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện gia đình và khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Để tìm hướng chuyển đổi sản xuất, năm 2018 anh đã quyết định đặt mua 450 cây giống tại các vườn dổi ở xã Ea Kao để trồng xen trong vườn cà phê của gia đình. Ban đầu do chưa nắm rõ quá trình phát triển, chăm sóc không kỹ lưỡng nên một số cây trồng bị héo lá và chết khô. Vừa tìm hiểu nguyên nhân, anh vừa tích cực tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn và đồng thời trồng mới lại tại những khu vực cây đã chết.

Diện tích cây dổi phát triển xanh tốt của gia đình anh Phạm Trí Thư (bên phải).

Sau hơn một năm xuống giống, khi cây dổi đã phát triển mạnh, anh bắt đầu chặt bỏ diện tích cà phê, tạo không gian thoáng đãng giúp cây trồng dễ giao tán. Năm 2021, diện tích dổi bắt đầu cho thu bói, anh thu được 2,4 tạ hạt khô, với giá bán 770.000 đồng/kg, gia đình có nguồn thu nhập khá lớn. Năm nay, cây trồng bước vào thời kỳ cho năng suất ổn định, anh ước tính sẽ thu được hơn 1 tấn hạt khô. Với giá bán hiện tại 690.000 đồng/kg, được các cơ sở trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thu mua, sau khi trừ chi phí, gia đình sẽ lãi hơn 500 triệu đồng, thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Theo anh Thư, cây dổi cho thu hoạch quanh năm, trồng càng lâu năm, năng suất càng tăng. Để cây trồng phát triển tốt, phải cung cấp đầy đủ nước, nhất là vào mùa khô và sử dụng phân chuồng hoai mục bón cho cây. Đồng thời, thực hiện phun thuốc xử lý bệnh nấm trái theo chu kỳ 2 tháng một lần, giảm thiểu sâu bệnh hại trên cây. Sau khi thu hoạch trái chín, gia đình sẽ thực hiện các công đoạn như: mang phơi nắng cho nứt vỏ và tách lấy hạt, nấu nước sôi, đổ hạt vào ngâm qua khoảng 5 phút và lấy ra mang đi phơi nắng khoảng 3 - 4 ngày là hạt đã khô hoàn toàn, có thể trữ được lâu. Anh cũng xây dựng lò sấy bằng củi để sấy hạt, phòng những ngày thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến quá trình sơ chế hạt. Hiện tại nguồn cung không đủ cầu nên giá cả, đầu ra cho loại hạt này rất thuận lợi. Thời điểm này, diện tích dổi của gia đình anh đang cho thu hoạch dần, đến tháng 8 sẽ bắt đầu thu hái rộ. Khi thu hoạch xong, anh sẽ cắt ngọn cây, giúp chúng phát triển tán ngang, thuận lợi cho việc thu hoạch vụ sau.

Anh Phạm Trí Thư (bìa trái) giới thiệu về quy trình sơ chế hạt dổi của gia đình mình.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng hơn 10 ha dổi, một số diện tích đang cho thu bói. Trong đó, gia đình anh Thư là hộ tiên phong đưa loại cây trồng này phát triển ở địa phương và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bước đầu cho thấy, loại cây này phát triển tốt, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên các diện tích dổi đều trồng tự phát, địa phương đã vận động người dân nên đưa cây dổi vào trồng xen trong các vườn tiêu, cà phê, để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và giúp tăng thu nhập trên một diện tích cây trồng.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.