Multimedia Đọc Báo in

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội: Kịp thời tháo gỡ những phát sinh, vướng mắc

08:25, 20/04/2022

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được triển khai đồng bộ, phân công, phân nhiệm rõ ràng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tiến hành đồng thời các nhiệm vụ

Trong những tháng đầu năm, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 của tỉnh tăng nhanh với tỷ lệ trung bình là 8234,4/100.000 dân, 15/15 địa phương đều thuộc "vùng cam" nhưng để chuyển sang thích ứng linh hoạt, tiến tới bình thường hóa mọi hoạt động, tỉnh đã triển khai cho các huyện, thị xã, thành phố điều trị F0 tại nhà. Các cơ sở khám chữa bệnh đều thực hiện phương án “Bệnh viện tách đôi” trong khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngành y tế tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng; tiếp nhận và cấp phát thuốc kháng vi rút Molnupiravir. Các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền các quy định mới về công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Thi công Dự án Đường Đông Tây tại nút giao thông đường Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng (TP. Buôn Ma Thuột).

Song song với công tác phòng, chống dịch, các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tích cực. Các sở, ngành, địa phương đã khởi động các chương trình, hoạt động mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, kích cầu du lịch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, lưu thông hàng hóa được bảo đảm an toàn, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý việc bình ổn thị trường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá, cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh việc tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; tập trung lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện việc chuyển đổi số, kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2022, mời gọi, thu hút đầu tư.

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác trực tiếp làm việc với các bộ, ngành Trung ương về Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, đang phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5/2022; tiến hành các bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát hàng hoá lưu thông trên thị trường. Ảnh: Đỗ Lan

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, với sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, vào cuộc quyết liệt, mỗi nhiệm vụ, đầu công việc đều phân công, phân nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nên kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phục hồi, phát triển, thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Tỉnh đã chỉ đạo, rà soát lại các vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm và có định hướng xử lý rõ ràng, dứt điểm.

 

3 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu đạt khá cao như:

Tổng sản phẩm công nghiệp bằng 27,18% kế hoạch;

Xuất khẩu bằng 32% kế hoạch;

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bằng 26,21% kế hoạch;

Thu ngân sách bằng 27,36% kế hoạch.

Theo dõi sát, kịp thời gỡ khó

Mặc dù kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước năm 2022 là hơn 5.100 tỷ đồng nhưng đến ngày 8/4/2022 mới chỉ giải ngân gần 305 tỷ đồng (đạt 9,5% kế hoạch). Số vụ án hành chính tăng cao, tình hình an ninh nông thôn có nhiều vấn đề nổi cộm, nhất là khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người, mua bán đất đai, làm nhà trên đất nông nghiệp, tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật diễn biến phức tạp...

Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, để đảm bảo ổn định tình hình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Công an tỉnh đã dự báo, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy các phương án cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong quý II/2022. Công an tỉnh cũng đã xác lập chuyên án, khởi tố vụ án, tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ khởi tố bị can, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và từng cá nhân liên quan trong các vụ phá rừng, xử lý nghiêm minh để làm gương. Đồng thời, Công an tỉnh tiếp tục triển khai đưa công an chính quy về xã nhằm tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự.

Giám sát quy trình sản xuất cà phê ở Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá công tác xây dựng cơ bản và giải ngân, đề ra các biện pháp thực hiện; trình kỳ họp HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án lớn, tạo cơ sở cho các chủ đầu tư triển khai nhanh việc lập, phê duyệt dự án đầu tư và triển các các thủ tục thi công. UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà, mặc dù giá vật liệu tăng cao, tác động đến xây dựng cơ bản nhưng UBND tỉnh chỉ đạo không tăng tổng mức đầu tư mà cần rà soát lại các giải pháp kỹ thuật, xem xét thay thế các vật liệu tương tự. Đối với 19 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất để triển khai nên lại vướng các quy định mới, tỉnh đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho các dự án tiếp tục giao đất, triển khai thực hiện.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.