Multimedia Đọc Báo in

Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án không thể giải ngân

17:48, 01/08/2022

Chiều 1/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 9 bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan của tỉnh.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 9 bộ, ngành và 5 địa phương thuộc Tổ công tác số 4 là hơn 132.326 tỷ đồng (9 bộ ngành, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 4 gồm: Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; các địa phương gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk). Đến nay các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết hơn 109.261 tỷ đồng, đạt 82,57%; số vốn chưa phân bổ chi tiết là hơn 23.064 tỷ đồng.

Về giải ngân, theo báo cáo của các cơ quan và Bộ Tài chính, tổng số giải ngân vốn NSNN của 9 bộ, ngành và 5 địa phương đến hết tháng 30/6/2022 là hơn 22.689 tỷ đồng, đạt 17,1% kế hoạch năm 2022. 

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Đối với Đắk Lắk, tổng số vốn xây dựng cơ bản thuộc NSNN năm 2022 là hơn 5.115 tỷ đồng. Đến ngày 20/7/2022 giải ngân được 21,2% kế hoạch, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân được 13,1%; Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 11,3%; nguồn vốn ODA giải ngân được 19,45%; nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân được 27,2%.

Theo tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công là do: giá nguyên vật liệu trong thời gian qua tăng đột biến; đối với các dự án khởi công mới, trong giai đoạn đầu chủ yếu để hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa có khối lượng để giải ngân; công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao; năng lực chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế; các địa phương chưa chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tại cuộc họp, các bộ ngành, địa phương đã giải trình, làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, qua đó đề xuất một số giải pháp để khắc phục, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực triển khai giải ngân theo kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân của 14 bộ, ngành địa phương trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước, còn chậm và chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công; trong quá trình triển khai thực hiện cần phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bảo đảm giải ngân vốn theo kế hoạch đã cam kết, đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không thực hiện đạt kế hoạch…

Đồng thời, phải tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong quá trình giải ngân. Đối với các dự án không thể giải ngân hết thì kiên quyết đề xuất điều chuyển vốn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.