Multimedia Đọc Báo in

Phát triển doanh nghiệp: Bứt phá để đạt mục tiêu

08:04, 08/12/2022

Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 15.000 doanh nghiệp và đến năm 2030 có khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động.

Bước vào thực hiện chỉ tiêu đó, trong bối cảnh bị nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự bứt phá bằng chính nội lực của mình trong quá trình hoạt động, phát triển. Qua thống kê, trong năm 2022, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 42,72% so với năm 2021. Lũy kế, hiện toàn tỉnh ước có 11.406 doanh nghiệp đang hoạt động và gần 1.000 doanh nghiệp có trụ sở chính ở tỉnh ngoài đăng ký hoạt động theo hình thức chi nhánh tại tỉnh, nâng tổng số doanh nghiệp còn hoạt động trên địa bàn tỉnh là 12.340 doanh nghiệp.

Với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao cho thấy, tỉnh đang dần hoàn thành mục tiêu đạt 15.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025. Không những vậy, việc thành lập mới cũng như hiệu quả, sự thành công trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có sự tác động rất lớn đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất gạch không nung ở Cụm công nghiệp Ea Ral (huyện Ea H'leo). Ảnh: Hoàng Gia

Trong thời gian qua, với việc xem doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với thực hiện các chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 8/7/2020 về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND, ngày 8/7/2020 về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, ngày 9/1/2020 về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1839/QĐ-UBND, ngày 13/8/2020 phê duyệt “Đề án hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, tỉnh xác định giai đoạn 2020 - 2025 cần tập trung ưu tiên thực hiện ba nhóm giải pháp trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; phát triển số lượng doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp.

Trên tinh thần đó, các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đổi mới cách nhìn nhận về thành phần kinh tế tư nhân và có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được bình đẳng trong kinh doanh, làm ăn hiệu quả. Cùng với việc xây dựng văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại, công khai, minh bạch thông tin, phát huy chính quyền điện tử...

Tuy nhiên, thực tế cũng đang đòi hỏi về phía doanh nghiệp cần phải nhìn nhận lại năng lực, khả năng về mọi mặt của mình để có sự điều chỉnh, nỗ lực hơn trong quá trình phát triển. Tỉnh, các ngành chức năng cam kết tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp chỉ mới là điều kiện “cần”. Cái chính và quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp cần phải phát huy nội lực của mình. Doanh nghiệp cần phải mạnh dạn đổi mới công nghệ, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường. Bởi vì, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu doanh nghiệp không mở rộng quy mô, thay đổi công nghệ, không nhanh nhạy nắm bắt thị trường, tìm được các phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của địa phương thì chắc chắn sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Có thể nói, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc thành lập một doanh nghiệp không khó, cái khó nhất là doanh nghiệp đó có thể tồn tại và phát triển được hay không. Vì vậy, việc tỉnh phấn đấu đạt 15.000 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025 là điều có thể thực hiện được, nhưng cái quan trọng nhất chính là thực lực, khả năng phát triển của các doanh nghiệp như thế nào.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.