Multimedia Đọc Báo in

Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân

15:03, 09/05/2010
Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), khu vực này đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á.
Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á.
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Dak Lak, năm 2002, toàn tỉnh có 864 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chưa tính hợp tác xã HTX và hộ kinh doanh cá thể), số vốn đăng ký gần 752 tỷ đồng; đến cuối tháng 3 – 2010, số doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã tăng lên 4.419 đơn vị (5,11 lần) và số vốn đăng ký tăng trên 13.453 tỷ đồng (gần 18 lần). Ngoài ra, trong năm 2009, có 6.645 hộ cá thể đăng ký kinh doanh mới, với số vốn hơn 1.750 tỷ đồng; nâng tổng số hộ kinh doanh cá thể toàn tỉnh lên 43.668 hộ, tổng vốn đăng ký hơn 5.818 tỷ đồng. Về kinh tế HTX, đến cuối năm 2009, toàn tỉnh có 323 đơn vị, tổng vốn đăng ký 469 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ cấu ngành nghề, sản phẩm và quy mô vốn đầu tư của KTTN cũng có nhiều thay đổi, một số doanh nghiệp (DN) của tư nhân đã phát triển thành tập đoàn kinh tế, tạo dựng được thương hiệu trong nước và quốc tế… Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, kết quả trên bắt nguồn từ những nỗ lực của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế khu vực này phát triển. Trong đó, đáng chú ý là tỉnh thường xuyên duy trì việc gặp mặt doanh nghiệp mỗi năm 2 lần, tương tự ngành thuế cũng tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp hằng năm từ cấp Cục đến Chi cục, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho DN nếu có. 
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển thì KTTN nhìn chung là có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình, thiếu liên kết nhau hoặc với kinh tế nhà nước, tập thể. Đa số đầu tư vào thương mại, dịch vụ với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trước mắt. Quản trị nội bộ của cả khu vực nói chung, nhiều DN nói riêng còn yếu. Thực tế cho thấy, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN có nơi, có lúc vẫn chưa được đầy đủ và còn thiếu nhất quán. So với yêu cầu đặt ra, việc đổi mới cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển KTTN vẫn còn nhiều hạn chế; việc thể chế hóa một số nội dung của Nghị quyết trên còn chậm… 
 
Đầu tháng 4 – 2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, sắp tới cần tiếp tục có các biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện để KTTN trở thành lực lượng mạnh, tạo động lực phát triển bền vững lâu dài cho đất nước. Nếu các DN tư nhân mạnh lên, số lượng lao động nông nghiệp sẽ được tuyển vào làm việc trong các DN cũng tăng cao, như vậy, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, nhấn mạnh, thời gian qua khu vực KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế, tiềm năng của KTTN là hết sức to lớn. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, đồng thời đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ cần xác định rõ những nội dung cần được thể chế hóa và điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp. Sớm cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư nguồn vốn của tư nhân; tạo điều kiện cho KTTN nắm giữ phần vốn hợp lý tại các DNNN cổ phần hóa. Thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với tái cấu trúc các DN, trong đó có DN tư nhân; tăng cường thực hiện chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…
Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.