Multimedia Đọc Báo in

Vài lời khuyên với những người học lái xe

08:59, 22/10/2023

Những năm gần đây, học lái xe đã trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước; đối tượng học viên đủ các lứa tuổi, nghề nghiệp… Đi học, ai cũng mong học tốt, nhanh biết lái và lái xe an toàn. Để làm được điều đó, học viên lái xe cũng cần lưu ý một số điều.

Hãy bớt sợ hãi

Ai lần đầu tiên ngồi lên ghế điều khiển một chiếc xe ô tô mà không có cảm giác sợ hãi? Đó mới chỉ là một nỗi sợ. Còn trăm ngàn sự lo lắng, sợ hãi khác như: Sợ người khác biết mình là giám đốc, mình là tiến sĩ, là nhà thơ mà học lái chậm; sợ lỡ húc vào ai đó thì sao? Sợ nhầm chân ga; sợ quên đạp thắng; sợ không lái được; sợ người yêu ngồi sau chê mình nhát… Nhiều học viên chưa học đã sợ… thi rớt. Tâm lý chung là quá nhiều nỗi lo, quá nhiều nỗi sợ.

Hãy bớt sợ hãi. Nên nhớ rằng: Thầy giáo dạy lái hồi bắt đầu đi học có khi còn run hơn mình bây giờ. Quá lo lắng là rào cản lớn nhất khiến nhiều cán bộ, thầy cô giáo, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhiều chiến sĩ không sợ bom rơi đạn nổ ngoài chiến trường lại “sợ” thầy dạy lái, sợ chiếc xe… dẫn đến tiếp thu chậm hơn so với những chị nông dân ở vùng sâu vùng xa vừa trúng mùa sầu riêng học lái.

Học viên thực hiện các thao tác dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Không cần “o bế” thầy

Muốn tạo tình cảm với thầy song thường xuyên mời thầy đi ăn, đi nhậu, đi hát… rồi dấm dúi phong bì cho thầy… cũng là cách làm hư thầy!

Phải thật thoải mái, nhẹ nhàng khi đi học, ai đóng đủ học phí thì đều có quyền được thầy chỉ dạy từ khi không biết gì cho đến lúc thi đạt kỳ thi sát hạch quốc gia ra trường. Không thể có chuyện người cho thầy đồng quà tấm bánh, gần gũi thầy hơn thì được chạy nhiều hơn, được chỉ tận tâm hơn.

Đặc biệt ở các bài thực hành đường trường, học viên cầm lái, thầy ngồi bên cạnh bảo hiểm tay lái, sẵn sàng phanh phụ và tính toán, hướng dẫn cho học viên. Tuy vậy, tham gia giao thông trên đường có muôn vàn tình huống bất ngờ, nguy hiểm luôn rình rập. Chính vì lẽ đó, giáo viên dạy lái chỉ có những khẩu lệnh ngắn gọn như: Ngớt ga, ngớt ga… Phanh đi, phanh đi… Chứ không thể nhỏ nhẹ: Anh ơi phanh đi; hay: chị ơi ngớt ga dùm…

Đối với nhiều học viên có kỹ năng tốt, giáo viên sẽ chủ động la, hét, tạo tình huống giả định buộc học viên phải thực hiện theo ý đồ của mình để tăng khả năng xử lý. Song, nhiều người không hiểu, bảo thầy nóng tính, thế này thế nọ…

Học gì cũng cần siêng năng

Học gì cũng cần có lý thuyết và thực hành. Học viên nào siêng năng, chịu khó tư duy, suy ngẫm và hình dung lại kiến thức sau mỗi bài học, nhất là với những bài thực hành trực tiếp cầm lái thì sẽ nhanh biết lái và lái tốt hơn. Phải hình dung như mình đang điều khiển chiếc xe, và những tình huống bị thầy la, thầy nhắc nhở thì cần nghĩ lại để khắc phục.

Mỗi học viên khi bước lên xe phải bình tĩnh, chậm rãi, nghĩ lại lý thuyết trước khi muốn thực hành. Phải làm chậm từng bước, lâu dần thành quen và sẽ thành thạo như thầy. Tránh để thầy nhắc ở những thao tác cơ bản, dễ dẫn đến nóng mặt, ù tai, khó tiếp thu bài học mới.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc