Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy tiếng nói chung

16:10, 18/05/2023

Diễn ra ngày 19/5 tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 32 đặt mục tiêu xây dựng một lập trường thống nhất và thúc đẩy hành động chung để giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới Arab.

Hội nghị lần này diễn ra vào đúng thời điểm quan trọng khi thế giới Arab nói riêng và toàn khu vực Trung Đông - Bắc Phi nói chung đang chứng kiến những diễn biến đan xen cả tích cực và tiêu cực. Việc thống nhất lập trường và hành động chung sẽ có ý nghĩa to lớn, hứa hẹn mang lại sự thay đổi tích cực cho thế giới Arab, giữa lúc sự can dự cũng như ảnh hưởng của Mỹ đang giảm dần trong khu vực.

Mặt tích cực là một số quốc gia Arab và Hồi giáo đang xích lại gần nhau hơn, qua đó mang lại bầu không khí tươi mới cho toàn khu vực. Cụ thể, Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với cả Syria và Iran, trong khi Ai Cập cũng đang thúc đẩy các nỗ lực để tiến tới việc nối lại quan hệ với hai nước này. AL vừa khôi phục tư cách thành viên của Syria.

Các động thái này được kỳ vọng sẽ từng bước mang lại giải pháp chính trị toàn diện cho các cuộc khủng hoảng ở Syria và Yemen. Tuy nhiên, cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), lực lượng bán quân sự chính ở Sudan, cũng như tình trạng leo thang bạo lực giữa Israel và các lực lượng Palestine tại Dải Gaza đang tiếp tục phủ bóng đen, đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của toàn khu vực.

Với thực tế này, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh AL năm nay do Saudi Arabia là nước chủ nhà sẽ tập trung tìm kiếm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng ở Sudan, Syria và Yemen cũng như thúc đẩy các nỗ lực nối lại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine.

Liên đoàn Arab (AL) ngày 7/5/2023 đã nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp Bộ trưởng, gồm đại diện của Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Liban và Tổng thư ký AL, nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria. Ảnh: THX/TTXVN
Liên đoàn Arab (AL) ngày 7/5/2023 đã nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp Bộ trưởng, gồm đại diện của Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Liban và Tổng thư ký AL, nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh đó, các hội nghị thượng đỉnh của khối Arab thường tuân theo một chương trình nghị sự truyền thống gồm nhiều chủ đề liên quan đến chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội và văn hóa. Do vậy, song hành với những vấn đề cấp thiết nhất, hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Arab cũng sẽ dành không gian thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác an ninh và kinh tế, giữa bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và đang tác động tiêu cực đến các thị trường hàng hóa và nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có các nước Arab.

Tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Sudan sẽ là trọng tâm của hội nghị do nước này có vị trí địa chính trị chiến lược rất quan trọng trong khu vực. Giao tranh nếu không được giải quyết tận gốc rễ có nguy cơ đẩy quốc gia châu Phi này vào một cuộc nội chiến toàn diện, đe dọa hòa bình và sự ổn định của toàn khu vực. Bên cạnh đó, theo đánh giá của giới phân tích, xung đột dai dẳng ở Sudan cũng có thể biến nước này thành điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố.

Cuộc khủng hoảng Sudan có thể sẽ tạo ra những “khoảng trống an ninh” để các phần tử khủng bố khai thác. Nhà phân tích Hafed Al-Ghwell, thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận xét sự kết hợp giữa bất ổn chính trị - an ninh, khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội... sẽ tạo điều kiện hoàn hảo cho sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan.

Các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và Al-Qaeda có thể để mắt tới Sudan như một sào huyệt tiềm năng mới. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Sudan cũng có nguy cơ gây ra làn sóng di cư và tị nạn phức tạp trong khu vực, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Tất cả những yếu tố nêu trên chắc chắn sẽ đe dọa tình hình an ninh và sự ổn định của toàn khu vực.

Saudi Arabia đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán giữa các bên tại Sudan để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài, qua đó có thể mở đường cho một chính phủ dân sự. Nước này đã mời Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan tham dự Hội nghị thượng đỉnh AL với tư cách Chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan, trong đó đối thủ của ông, người đứng đầu RSF, Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, là phó chủ tịch. Saudi Arabia có quan hệ thân thiết với cả hai vị tướng này kể từ khi quân đội Sudan và RSF gửi quân hỗ trợ Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu trong cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi ở Yemen.

Tiếp đến là Syria. AL đã quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria tại hội nghị ngoại trưởng hôm 7/5, song khối này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận chung về việc đưa Damacus trở lại thế giới Arab. AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria vào tháng 11/2011. Saudi Arabia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Syria trở lại AL. Qatar vẫn là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất việc bình thường hóa quan hệ với Syria. Tuy nhiên, sau quyết định tái kết nạp Damascus, Doha cho biết họ “sẽ không trở thành trở ngại” đối với “sự đồng thuận của Arab”. 

Những ưu tiên của Saudi Arabia cũng là mối quan tâm hàng đầu của AL. Tại cuộc họp khẩn ở Cairo ngày 7/5, Hội đồng Liên đoàn Arab đã ban hành nghị quyết về việc thành lập nhóm tiếp xúc cấp bộ trưởng Arab để liên lạc với các bên ở Sudan và các quốc gia có ảnh hưởng nhằm đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia châu Phi này.

Theo nghị quyết, nhóm tiếp xúc sẽ bao gồm đại diện của Saudi Arabia, Ai Cập và AL. Tổ chức này cũng đã nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng để tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria. Ủy ban bao gồm Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Liban và Tổng Thư ký AL.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia phụ trách các vấn đề đa phương Abdul Rahman Al-Rasi, Saudi Arabia mong muốn tất cả các quốc gia Arab hợp lực để đạt được các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh nhằm hỗ trợ hành động chung và thúc đẩy sự phát triển trong thế giới Arab.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.