Multimedia Đọc Báo in

Tài và tâm của người nghệ sĩ

08:13, 02/10/2021

Sáng 29-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã vào Bệnh viện Quân y 175 TP. Hồ Chí Minh thăm nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn.

Người nghệ sĩ tài hoa ngồi xe lăn hiền như trẻ thơ, đã chơi một vài nốt nhạc trong bài "Diễm xưa" để tặng Phó Thủ tướng. Nâng trên tay cây kèn loại nhỏ nhất một cách khó nhọc, Trần Mạnh Tuấn đã “bập bẹ” thổi vài nốt trong tiếng vỗ tay khen “giỏi quá, hay quá”, của mọi người.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho Bệnh viện Quân y 175 tràn ngập nụ cười và năng lượng. Khi nghe tin Trần Mạnh Tuấn đột quỵ, bao nhiêu người xót xa cầu nguyện cho anh sớm qua khỏi kiếp nạn.

Khi chưa lâm bệnh, anh đã để lại ấn tượng khó quên khi đứng giữa bệnh viện dã chiến thổi bản "Quê hương" phục vụ người dân và các y bác sĩ đang chống dịch COVID-19, cho thấy vóc dáng lẫn tâm đức của một người nghệ sĩ lớn. Vì thế, nên tôi tin Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tranh thủ vào thăm Trần Mạnh Tuấn vì cảm mến, dưới góc độ một người bình thường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn tại bệnh viện. Ảnh: NLĐ

“Thật là một điều kỳ diệu và là một phép màu thật sự. Trần Mạnh Tuấn đã sống lại, và chúng ta lại sẽ được tiếp tục nghe điệu kèn điêu luyện của anh”, nhà báo Nguyễn Công Khế hân hoan. Ông còn lạc quan tin tưởng cho biết một bác sĩ từ Canada viết về ca bệnh của nghệ sĩ Tuấn như thế này: “Xuất huyết đồi thị mà bình phục chỉ trong một tháng thì đúng là xưa nay chỉ thấy ca thứ hai”. Âm nhạc được coi là thần dược. Tình yêu âm nhạc có trong tất cả chúng ta, nhưng với nghệ sĩ là tính trội, là nguồn năng lượng lớn giúp rất nhiều nghệ sĩ vượt lên nghịch cảnh. Trần Mạnh Tuấn đã chống lại được số phận bằng cách giật lại sự sống một cách diệu kỳ. Đôi tay và hơi thở anh đang phải học “vỡ lòng” lại Saxophone, mọi người có thể thấy qua mấy nốt của "Diễm xưa". Nhưng, tôi tin bằng tình yêu quá mãnh liệt với kèn, anh sẽ sớm lấy lại được tất cả...

Tuần này, showbiz Việt lại hao khuyết thêm một người nghệ sĩ mà tên tuổi của chị đã gắn với những bản nhạc bolero về quê hương sâu lắng, không lẫn với ai - Phi Nhung. Chị không ngừng nỗ lực phấn đấu với sự nghiệp ca hát, cưu mang 23 người con nuôi, miệt mài làm từ thiện song hành với nghệ thuật. Sự ra đi của Phi Nhung đã để lại niềm thương xót đặc biệt trong dư luận. "Người trả xong rồi nợ trần ai/ Nhẹ nhàng thanh thản chốn thiên thai/ Bao nhiêu thương nhớ người để lại/ Cung sầu tôi hát khúc bi ai", đây là khúc ai điếu dành cho tri kỷ của ca sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh, người được coi là song ca thành công nhất với Phi Nhung, làm tôi lại nhớ đến tình bạn âm nhạc giữa Bá Nha - Tử Kỳ thuở xưa. Thời đại nào cũng vậy, không hiếm những người nghệ sĩ chân chính. Họ coi nghệ thuật là lẽ sống, coi khán giả là động lực, cái đích cao cả để sáng tác, dâng hiến cho đời. Ở họ, toát lên lực hấp dẫn, tin tưởng, thương mến. Họ sẵn sàng làm những việc thiện mà quên chăm sóc bản thân.

Tiếc rằng, cũng không ít nghệ sĩ ảo tưởng về sự nổi tiếng để tự cho mình được lập ngôn, gây rất nhiều muộn phiền cho dư luận. Ồn ào nhất thời gian gần đây, liên tiếp những nghi án liên quan đến sự minh bạch trong công tác thiện nguyện. Chúng ta đang hướng đến một nền văn nghệ "tử tế", dứt khoát phải xây dựng được môi trường trong lành, chuyên nghiệp, để người nghệ sĩ phát huy được cả tài và tâm.

        Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.