Multimedia Đọc Báo in

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bên triền sông Hồng

06:35, 10/04/2022

Tọa lạc bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa, dưới cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi xanh mát, đền Đức Thánh Bà từ lâu đã gắn với những truyền thuyết, huyền tích linh thiêng và là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Tổ Phú Thọ địa linh nhân kiệt.

Cách trung tâm huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) khoảng 500 m, đền Đức Thánh Bà tọa lạc ở vị thế đắc địa thuộc địa phận khu 8, thị trấn Hạ Hòa, cửa đền hướng Tây nhìn thẳng ra dòng sông Hồng, phía sau xa xa là những dải núi bao bọc tạo nên thế vững chãi, sơn thủy hữu tình. Đến nay, chưa có sử sách nào ghi lại một cách chính xác ngôi đền được lập dựng từ thời gian nào.

Theo cụ Nguyễn Chí Hướng (SN 1930), thủ nhang bản đền gần 30 năm nay thì đền Đức Thánh Bà có từ xa xưa, gắn với truyền thuyết, huyền tích Vua Hùng Vương thứ 18. Xưa kia, đền Đức Thánh Bà thường gọi là miếu Hai Cô, được dựng bằng sáu cột gỗ. Trải qua thời gian, bao biến cố thăng trầm, người dân nơi đây gìn giữ, phục dựng, tôn tạo ngôi đền thành một không gian linh thiêng để nhân dân trong vùng thờ phụng, hương hỏa, tri ân công đức tổ tiên và thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương.  

Đền Đức Thánh Bà.

Theo bản “Thần tích xã Ấm Thượng, tổng Ấm Hạ - huyện Hạ Hòa - tỉnh Phú Thọ” ghi chép lại, đền Đức Thánh Bà liên quan đến huyền tích về Hùng Hiền Vương cùng bốn người con do trời ban cho. Người con cả có tên là Chàng Út Lỗ Thố, người thứ hai là Chàng Út Bến Trên, người thứ ba là Muôn Khe Cửa Ngoài và người con út là Đức Thánh Bà Hà Bá Thủy Quan Công Chúa. Những người con của Hùng Hiền Vương đã có công cùng với Thánh Gióng dẹp giặc Ân xâm lược.

Đền Đức Thánh Bà hiện còn lưu giữ 5 đạo sắc gồm 2 sắc triều vua Tự Đức, 1 đạo sắc triều vua Duy Tân, 1 đạo sắc triều vua Đồng Khánh, 1 đạo sắc triều vua Khải Định. Trong đền có ba pho tượng thờ. Ở cung chính giữa là tượng Mẫu Vua Bà; bên phải là tượng Cửu Đức Đại Vương; bên trái tượng Đức Thánh Bà. Đền còn lưu giữ 2 long ngai cổ, 1 bát hương bằng gốm sứ hình long chầu mặt nguyệt đặt ở giữa; 2 hòm sắt đựng đạo sắc. Lễ chính của đền gồm lễ ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng 7, đại tiệc 5/9 âm lịch. Lễ cúng chủ yếu là lễ chay gồm bánh dày, chè kho, hoa quả. Ngày 26/1/1999, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-UB công nhận đền Đức Thánh Bà là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ngày 25/4 âm lịch năm 2019, đền được khởi công xây mới gồm 5 gian, lợp ngói vảy.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.