Multimedia Đọc Báo in

Henry Maitre và những bức ảnh về Tây Nguyên

08:50, 27/09/2022

Vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Tây Nguyên là vùng đất đầy hấp lực đối với những nhà thám hiểm người Pháp. Trong các năm 1905 - 1911, nhà thám hiểm, nhà dân tộc người Pháp Henry Maitre đã thực hiện những chuyến du hành đến nhiều nơi thuộc vùng đất Tây Nguyên.

Qua những chuyến điền dã, nghiên cứu thực địa, ông đã thu thập được một khối lượng tài liệu lớn về thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Những tài liệu dân tộc học ấy đã được ông tập hợp và công bố trong tác phẩm “Les Jungles Moi” (sau này cuốn sách được dịch sang tiếng Việt với tựa “Rừng người Thượng”) tại Paris năm 1912. Không chỉ thu thập tư liệu khảo cứu, Henry Maitre còn chụp những bức ảnh độc đáo, quý hiếm về thiên nhiên, con người và văn hóa Tây Nguyên.

Chân dung Henry Maitre.

Người cùng thực hiện những chuyến thám hiểm Tây Nguyên với Henry Maitre là công sứ Marcel Ner. Thời điểm đó, do yêu cầu của chính quyền thực dân, Henry Maitre phải đóng “hai vai”, vừa là nhà khoa học khám phá cái mới, vừa là nhà binh chốt giữ những tiền đồn. Trong lịch sử cận đại Tây Nguyên có nói đến chiến công của tù trưởng N’Trang Lơng và nghĩa quân người Thượng phục kích cuộc hành quân của lính Pháp do Henry Maitre, đồn trưởng đồn Bu Méra chỉ huy vào tháng 8/1914. Và Henry Maitre bị giết trong trận này. Bỏ qua vai trò là một kẻ xâm lược, Henry Maitre thực sự là nhà khoa học, nhà dân tộc học và nhà văn hóa học. Giá trị về học thuật trong công trình của ông đã được khẳng định, trong đó có những bức ảnh về Tây Nguyên được xem như di sản tư liệu quý giá.

Vua Lửa Siu Tu chụp vào những năm đầu thế kỷ 20.

Henri Maitre đã ghi lại những hình ảnh đầu tiên về người J’rai ở Pleiku. Ông đã đưa vào ống kính của mình một số ngôi nhà dài cổ truyền của người J’rai và nhà sàn của người Bhanar. Điều thú vị là những ngôi nhà chụp trong ảnh cách nay gần 100 năm nhưng ngày nay loại kiến trúc đó vẫn chưa thay đổi nhiều. Người Bhanar ở các huyện Mang Yang, Ayun Pa, Kông Chro, An Khê (Gia Lai) hiện vẫn đang ở trong những ngôi nhà có lối kiến trúc đặc trưng như vậy. Những bức ảnh khác cũng là tư liệu đáng quý như ảnh nhóm người biểu diễn cồng chiêng trong một lễ hội; trang phục, trang sức của phụ nữ Tây Nguyên xưa. Đặc biệt, một bức ảnh khá sắc nét chụp chân dung hai người phụ nữ J’rai Hdrung ở huyện Chư Sê đã ghi lại phục sức truyền thống của nữ giới dân tộc J’rai lúc bấy giờ. Cả hai người đều mặc váy tấm, giắt múi về hai bên, đeo vòng bạc trên cổ, đeo khuyên tai bằng ngà voi; trong đó đáng chú ý là người phụ nữ đứng bên phải của bức ảnh đeo hai chiếc vòng ống ở hai cổ tay. Trong kho tàng di sản ảnh về dân tộc J’rai, có những bộ ảnh về các vua lửa đang lưu trữ tại Thư viện Đông Dương (Pháp). Cho đến nay, bức ảnh chụp vua Lửa sớm nhất là Siu Tu, vào những năm đầu của thế kỷ trước bởi Henry Maitre. Siu Tu là vua Lửa đầu tiên được chụp ảnh.

Phụ nữ J’rai Hdrung, huyện Chư Sê (Gia Lai) những năm đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh kiến trúc nhà ở, Henry Maitre cũng chụp một số bức ảnh về nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên. Bức ảnh chú thích rõ: Nhà mồ của người J’rai ở làng (plei) Rlung. Những bức tượng gỗ người ôm mặt, tượng bram quanh nhà mồ, những mô típ hoa văn đẹp mắt trang trí trên mái nhà mồ. Giống như bác sĩ Yersin trước đó, Henry Maitre cũng dùng voi để vận chuyển. Trong sách “Rừng người Thượng” có nhiều bức ảnh quý hiếm, độc lạ chụp đoàn tùy tùng và những chú voi nhà. Những con voi xuất hiện trong ảnh là phương tiện giúp các nhà thám hiểm núi rừng Tây Nguyên, băng qua nhiều sông suối, buôn làng dân tộc. Một bức ảnh voi và đoàn tùy tùng được tác giả chú thích rất thi vị: “Dừng chân nơi rừng thưa”. Trên lưng voi có mái che hình “mái vòm” rất duyên dáng. Mái che lưng voi kiểu này ngày xưa rất phổ biến, được bà con sử dụng để che mưa che nắng cho những người ngồi lên bành voi khi đi lại những nơi xa xôi. Henry Maitre còn có một số bức ảnh khá thú vị như ảnh chụp một chú bé đang chơi cà kheo, phía sau là những ngôi nhà nhỏ kiểu kiến trúc của đồng bào Bhanar hay bức ảnh chụp đồn điền cà phê gần Pleiku.

Giống như các vị công sứ Pháp như Sabatier, Marcel Ner, Henry Maitre có nhiều “duyên nợ” với Tây Nguyên. Cái “duyên” đáng nói chính là người góp công nghiên cứu văn hóa tộc người ở buổi ban đầu khi mới đặt chân khám phá vùng đất này. Nếu như cuốn sách “Rừng người Thượng” đầy ắp tư liệu nhân học về đồng bào Tây Nguyên thì những bức ảnh tư liệu in trong công trình của Henry Maitre và được lưu trữ ở Thư viện Đông Dương là một nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo về vùng đất Tây Nguyên.  

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc