Multimedia Đọc Báo in

Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975): Hành trình trở thành điểm đến

11:18, 26/09/2022

Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) thuộc huyện Krông Bông ngày nay được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 822/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2017.

Chính quyền và người dân ở đây kỳ vọng một khi di tích này được xếp hạng đồng nghĩa với việc nó sẽ được Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư nhiều hơn; và từ nguồn lực ấy sẽ giúp Krông Bông có thêm điều kiện, cơ hội để phát triển.

Mong mỏi từng ngày

Ông Châu Phan, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Krông Bông chia sẻ: Từ khi Khu căn cứ kháng chiến trên được xếp hạng, ai cũng vui mừng và tự hào vì động thái ấy không những thể hiện sự tri ân đối với những mất mát, hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ cha anh ngày trước, mà còn là “cú hích” quan trọng để Krông Bông vươn lên từ ngành kinh tế du lịch. Được biết từ “địa chỉ đỏ” này, chính quyền huyện Krông Bông đã lấy đó làm tài nguyên, cơ sở để hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển ngành “công nghiệp không khói” cho địa phương. Nghị quyết số 11-NQ/HU về “Phát triển du lịch Krông Bông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Huyện ủy ban hành từ ngày 17/8/2019. Trong đó lấy khu di tích tiêu biểu này làm trọng tâm, từ đó mở rộng đến 7 điểm du lịch hiện có trên địa bàn (bao gồm: Danh thắng thác Krông Kmar; điểm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Yang Sin; Khu di tích lịch sử hang đá Đắk Tuôr; điểm dừng chân hồ Yang Reh và tham quan núi Đá voi; thác buôn Ngô - xã Hòa Phong; thác Yang Hanh - xã Cư Drăm; thác Ea Khal - xã Yang Mao và hồ Cư Păm - xã Cư Kty). Đề án phát triển du lịch ở đây đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, thông qua vào cuối năm 2019 với những bước đi, mục tiêu cụ thể: năm 2025 đón khoảng 50.000 du khách, doanh thu gần 50 tỷ đồng và đến năm 2030, con số này sẽ tăng gấp đôi. Mục tiêu đặt ra là vậy, nhưng việc hiện thực hóa điều đó không phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư to lớn của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục đến hợp tác, phát triển du lịch với huyện Krông Bông trong tương lai - ông Châu Phan mong mỏi.

Những địa điểm diễn ra sự kiện quan trọng tại Khu căn cứ kháng chiến Krông Bông đã được dựng bia tưởng niệm.

Có thể nói, mong mỏi ấy cũng là tâm tư chung và thường trực trong suy nghĩ của người dân vùng căn cứ kháng chiến này. Còn nhớ, khi bắt tay vào việc khảo sát, đánh giá tầm vóc và giá trị của di tích trên nhằm hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận, xếp hạng cấp quốc gia đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân. Trong đó đáng kể nhất là những bậc lão thành cách mạng, nguyên là cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ như các ông Huỳnh Văn Cần (đã mất), Lê Chí Quyết, Ama H’Oanh, Ama Thương (đã mất). Dù tuổi đã cao, họ vẫn tích cực tham gia vào công việc trên từ đầu đến cuối, kể cả lúc khó khăn nhất như trực tiếp băng rừng, lội suối để xác định cho được những địa điểm diễn ra các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk từ năm 1963 - 1969 trong những cánh rừng Cư Pui, Yang Mao, Cư Drăm, Hòa Phong...

Trong những chuyến đi ấy (vào dịp cuối tháng 8/2016), ông Lê Chí Quyết tâm sự: “Về phần chúng tôi, đã làm hết sức mình để không phụ lòng tin tưởng của Đảng và nhân dân giao phó. Một di tích lịch sử tầm cỡ đã được xác định, khoanh vùng bảo vệ  - và chắc chắn sẽ được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia là niềm vui, niềm tự hào cho huyện Krông Bông nói riêng và Đắk Lắk nói chung”. Tuy nhiên, việc tôn tạo và phát huy một cách đồng bộ giá trị của di tích sau khi được công nhận, xếp hạng mới là vấn đề quan trọng. Công nhận và xếp hạng một di tích thì dễ, nhưng để làm cho nó “sống lại” và thật sự có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng quả là điều rất khó; đặc biệt là khi di tích ấy được xem là thế mạnh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thì càng trở nên cấp thiết, đi kèm với thách thức đặt ra đối với chính quyền và người dân ở đây.

Từng bước được quan tâm

Cùng với sự quan tâm, thúc đẩy từ  một số chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ngắn và dài hạn của tỉnh, Trung ương dành cho vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ cách mạng, huyện Krông Bông đã có những  đổi thay đáng kể để từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch như “kịch bản” đã vạch ra.

Lễ cúng bến nước của người Êđê tại buôn Kiều, xã Yang Mao, huyện Krông Bông luôn được bảo tồn, gìn giữ.

Vào đầu tháng 4/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 - 1975) tại huyện Krông Bông, giai đoạn 2020 - 2025 được xem là động thái giúp “địa chỉ đỏ” này hồi sinh. Theo kế hoạch, UNND tỉnh giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng lập quy hoạch tổng thể khu di tích trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, đến nay đã  tiến hành việc cắm biển chỉ dẫn, dựng bia tại các điểm diễn ra sự kiện quan trọng tại đây trong những năm kháng chiến; tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát, xác định vị trí, tọa độ và cắm mốc những nơi đóng chân một số cơ quan của Tỉnh ủy Đắk Lắk trong thời kỳ trên; bổ sung và điều chỉnh địa giới hành chính khu di tích tại Quyết định xếp hạng cấp Quốc gia số 822/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2017 của Bộ VH-TT&DL. Từ đó, từng bước đầu tư, tôn tạo di tích này trở thành điểm đến tham quan cho du khách. Thêm nữa, vào đầu năm 2021, Sở VH-TT&DL đã có cuộc khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Đắk Tuôr - một trong vùng lõi của khu di tích với những tour/sản phẩm tham quan, trải nghiệm văn hóa, sinh thái và lịch sử sinh động, hấp dẫn thông qua nhiều tư liệu, hình ảnh cụ thể và chân thực về lịch sử đấu tranh chống Mỹ trên “vùng đất thép” này trong kháng chiến do ngành văn hóa phối hợp, giúp đỡ công đồng làm du lịch trên địa bàn sưu tầm, biên soạn và thuyết minh đến du khách.

Rõ ràng, khu di tích trên đã dần hiện ra như điểm đến giàu tiềm năng nhờ những giá trị văn hóa, sinh thái và đặc biệt là lịch sử đấu tranh cách mạnh của quân dân ở đây vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức nhiều người. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm, cùng với sự quan tâm trên thì điều quan trọng nhất vẫn là hệ thống đường giao thông kết nối nội vùng ở đây cần được đầu tư mạnh mẽ hơn, đáp ứng ít nhất theo tiêu chí đô thị cấp 4 mới mong khai thác, phát huy tiềm năng du lịch vốn có. Song, trên thực tế hiện nay - những yếu tố (cũng là yêu cầu) bắt buộc ấy chưa thật sự được đáp ứng cho hầu hết các khu/điểm du lịch trọng yếu đã được quy hoạch, hay đưa vào khai thác trên địa bàn huyện Krông Bông nói chung.  Hơn thế, nhiều người cho rằng hành trình đầu tư, xây dựng khu di tích trên trở thành điểm đến du lịch có đẳng cấp với vùng lõi rộng hàng nghìn héc-ta rừng nguyên sinh, trải khắp 5 xã (Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền) cùng nhiều vùng đệm dịch vụ hỗ trợ khác nhằm phục vụ du khách là thách thức không nhỏ đặt ra đối với chính quyền địa phương trước mục tiêu hiện thực hóa đề án phát triển du lịch đã được vạch ra.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.