Multimedia Đọc Báo in

Qua miền di sản

09:48, 26/09/2022

Lên Tây Nguyên xem diễn tấu cồng chiêng đang là sản phẩm du lịch đặc thù, hiện được các tỉnh trong khu vực tích cực xây dựng, thực hành ngày càng hoàn thiện và có sức lan tỏa hơn đến với công chúng.

Điều đó cho thấy không gian văn hóa cồng chiêng ở đây đã hòa nhập sâu rộng với nhiều di sản (vật thể và phi vật thể) khác được UNESCO vinh danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Qua miền di sản này để trải nghiệm, cảm nhận đời sống/không gian tươi mới của cồng chiêng hôm nay đã thật sự cuốn hút du khách trong nước và quốc tế tìm đến… 

Nhiều du khách đến Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum hay Lâm Đồng đều cho rằng, cồng chiêng đã trở lại và ngân lên rộn rã giữa các buôn làng.  Hơn thế, cồng chiêng ở đây đã bước ra và tham dự vào không gian diễn xướng rộng lớn, sinh động hơn trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ. Cồng chiêng không những ngân lên trong các dịp lễ hội, nghi thức tâm linh và sinh hoạt văn hóa truyền thống, mà còn có mặt khắp nơi - từ ngôi nhà dài/nhà rông (làm dịch vụ homestay), các tụ điểm sinh hoạt văn hóa… cho đến nhiều khu du lịch cộng đồng gần gũi, thân thiện hay hiện đại và sang trọng. Thậm chí âm vang kia còn được chủ nhân của nó kết nối với ngành văn hóa - du lịch biểu diễn thương xuyên/định kỳ tại những địa chỉ cố định nhằm  phục vụ du khách, đồng thời quảng bá một cách hữu hiệu vốn di sản này.

Điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông thu hút du khách nhờ hoạt động trình diễn âm nhạc cồng chiêng và dân ca dân vũ của người Êđê.

Ở Kon Tum, cồng chiêng luôn hiện diện tại điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng Kon Klơ (TP. Kon Tum); Gia Lai có Khu du lịch văn hóa - sinh thái Đồng Xanh, Quảng trường Đoàn Kết (TP. Pleiku); Lâm Đồng nổi lên với địa chỉ xã Lát, nằm dưới chân rặng Lang Bian (huyện Lạc Dương); đặc biệt Đắk Lắk thì cồng chiêng có mặt tại hầu hết các khu/điểm du lịch, trong đó tiêu biểu là buôn Akô Dhông, buôn Ea Bông, buôn Tuôr và Khu du lịch cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột). Hơn thế, trong 5 năm qua, cồng chiêng còn được xây dựng, thiết kế và sáng tạo nên sản phẩm du lịch nhằm phục vụ du khách, người dân giải trí, thưởng thức về đêm (hai tối thứ Bảy trong tháng) tại Biệt điện Bảo Đại và Trung tâm Văn hóa tỉnh (TP. Buôn Ma Thuột), Quảng trường Đoàn Kết (TP. Pleiku) và làng Kon Klơ (TP. Kon Tum). Rõ ràng, cồng chiêng Tây Nguyên đã từng bước hòa nhập trong mọi không gian. Nói cách khác, cồng chiêng trong dòng chảy đời sống đương đại đã trở thành hoạt động văn hóa - nghệ thuật gần gũi và đời thường hơn. Không gian văn hóa cồng chiêng không còn bó hẹp trong các nghi lễ cổ xưa nữa, mà đã hiện diện khắp nơi, kể cả trên sân khấu hiện đại trong nước và quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng cồng chiêng ở vùng đất kỳ vĩ và giàu mơ tưởng ấy đã có đời sống mới mẻ, giàu tính nghệ thuật và giàu sức biểu cảm đa dạng, phong phú hơn.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm cùng có nhận định:  Bất kỳ ai đi qua miền di sản này đều nhận ra cồng chiêng ngày nay đã thoát ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa mình vào cuộc sống hiện đại, hội nhập đang diễn ra là xu thế tất yếu và tích cực, vì đó là sự lan tỏa của một thực thể văn hóa được công nhận và tôn vinh. Hơn nữa, từ sự lan tỏa ấy - cồng chiêng (dưới góc độ cảm thụ âm nhạc và vũ điệu kèm theo, chứ không bao hàm ý nghĩa rộng lớn là Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên như UNESCO đã vinh danh) đã dần mang lại sinh kế, nguồn thu nhập đáng kể cho người trong cuộc, cũng như cộng đồng sở hữu tài sản văn hóa quý báu ấy. Nghệ nhân Ama Pô (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), hay nghệ nhân Ksơr Juốt (làng Kon Klơ, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum) chia sẻ: Từ giá trị, nguyên dạng đặc trưng của dàn cồng chiêng cổ truyền - chủ nhân của nó, nhất là lớp trẻ năng động hiện nay đã sáng tạo và phát huy tối đa thành tố âm nhạc chứa đựng trong đó để phục vụ đời sống cho mình và cộng đồng một cách hiệu quả hơn thông qua những hoạt động giao lưu, trình diễn văn hóa - văn nghệ cũng như du lịch vốn sôi động trên vùng đất giàu bản sắc này.

Truyền dạy cồng chiêng cho các em học sinh ở huyện Cư Kuin. Ảnh: Hữu Hùng

Anh Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Gia Lai) cho hay: Tại TP. Pleiku nhiều đội chiêng trẻ của làng/Plei Tiêng, Plei Wâu, Plei Roh… đã đem vốn di sản cha ông mình biểu diễn, tham gia làm du lịch khắp nơi - và tất nhiên những sáng tạo âm nhạc cồng chiêng của họ được cổ vũ, đón nhận như hình thức nghệ thuật đặc sắc trong đời sống hiện đại ngày nay. Qua đó, không những góp phần “nối dài tiếng chiêng” đến với công chúng, mà còn thiết thực nâng cao đời sống cho nghệ nhân sống hết mình với cồng chiêng. Chia sẻ thêm điều này, những nghệ nhân nổi danh như Ama Pô, Y Míp Ayun (đội chiêng buôn Kô Siêr), hay Ama H’Loan, Y Pút Niê (đội chiêng buôn Akô Dhông) nhìn nhận: Tại đây những nghệ nhân trẻ đã kế thừa, sáng tạo thêm một cách xuất sắc vốn âm nhạc cồng chiêng để mưu cầu đời sống cho gia đình, cộng đồng ngày càng no ấm, hạnh phúc hơn thông qua hoạt động du lịch, trình diễn và giao lưu văn hóa với các vùng miền khác cả trong nước và quốc tế. Có thể nói, cồng chiêng trên vùng đất Tây Nguyên đã gắn bó và hiện diện sinh động hơn trong đời sống mỗi cộng đồng dân tộc nhờ chức năng biểu hiện cảm xúc và hình tượng nghệ thuật của di sản này được thế hệ kế tiếp khai thác và phát huy.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.