Multimedia Đọc Báo in

Chắp cánh "ước mơ 4.0" cho học sinh nghèo

10:16, 31/01/2022

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Chính phủ phát động đã mở ra cơ hội giúp những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ở “vùng lõm” thông tin có điều kiện học tập trực tuyến trong tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp. Tại Đắk Lắk, chương trình được triển khai mạnh mẽ nhằm hỗ trợ các em có điều kiện tiếp cận kiến thức, “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.

Nhọc nhằn “con chữ online”

Gia đình em Nguyễn Thị Hằng (lớp 9A4, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, huyện Cư M’gar) là hộ nghèo nhiều năm nay. Mẹ Hằng làm thuê nhưng do bệnh tật, ốm đau suốt nên chẳng kiếm được bao nhiêu. Gánh nặng gia đình và chi phí nuôi ba người con ăn học phụ thuộc phần lớn vào công việc thợ hồ của cha em. Những năm qua, Hằng luôn nỗ lực vượt khó trong học tập và là học sinh tiên tiến của trường. Do dịch COVID-19, Hằng và hai em phải học trực tuyến, nhưng nhà chỉ có hai chiếc điện thoại di động.

Đại diện Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Đắk Lắk trao số tiền 30 triệu đồng ủng hộ chương trình.

Tương tự, em Đoàn Thị Thanh Trúc (lớp 5C, Trường Tiểu học Êa Trul, huyện Krông Bông) gia đình thuộc diện hộ nghèo. Cha mẹ em ngày ngày đi bán hàng rong quanh cổng trường, “ăn bữa nay còn lo bữa mai” nên điều kiện, phương tiện để học online rất khó khăn.

Không riêng trường hợp của các em Nguyễn Thị Hằng và Đoàn Thị Thanh Trúc mà đối với nhiều học trò nghèo ở vùng sâu, vùng xa, việc sở hữu một thiết bị thông minh để học trực tuyến vẫn là một điều rất xa xỉ.

 

“Qua phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngành GD-ĐT tỉnh đã huy động được hơn 4,8 tỷ đồng. Chương trình không chỉ hướng đến giải quyết khó khăn trước mắt do dịch bệnh COVID-19 của ngành, mà mang tầm chiến lược, thúc đẩy phát triển bình đẳng và chuyển đổi số mạnh mẽ toàn xã hội...”.

 
Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa cho biết: Năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức linh hoạt các phương án dạy học, trong đó dạy học trực tuyến là phương pháp chủ đạo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến trong thời gian khá dài, đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như: thiết bị học trực tuyến; việc phủ sóng ở các vùng sâu, vùng xa; vấn đề về đường truyền kết nối mạng Internet; học sinh (nhất là ở bậc tiểu học) chưa quen với thiết bị và phương pháp dạy học này… Đặc biệt, khó khăn nhất là nhiều học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có thiết bị và không đủ khả năng mua các thiết bị để học trực tuyến. Qua thống kê, toàn tỉnh có hơn 374.900 học sinh từ bậc tiểu học đến THPT và trong số này có đến hơn 67.000 em chưa có thiết bị học trực tuyến.

Trao cơ hội tiếp cận tri thức

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động ủng hộ, trao tặng thiết bị như: máy tính để bàn, laptop, điện thoại di động, sim 4G… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Đội tổng hợp (Công an huyện Cư M’gar) là một trong những cá nhân nhiệt tình ủng hộ chương trình. Xuất phát từ sự cảm thông, mong muốn hỗ trợ một phần nào cho các em chưa có điều kiện để học trực tuyến, anh đã trao 1 máy tính để bàn, 1 laptop tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), trong đó có trường hợp của em Nguyễn Thị Hằng.

Học sinh Trường Tiểu học Êa Trul (huyện Krông Bông) học tập với máy tính mới được trao tặng .

VNPT Đắk Lắk là đơn vị tích cực hưởng ứng, ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Thông qua Sở GD-ĐT, VNPT Đắk Lắk đóng góp 1 tỷ đồng cho Chương trình, gồm: 3.000 sim Vinaphone với tài khoản data miễn phí để học trực tuyến, trị giá 600 triệu đồng và tiền mặt 400 triệu đồng. Ông Trịnh Văn Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh VNPT Đắk Lắk cho hay, bên cạnh việc ủng hộ chương trình, VNPT Đắk Lắk đã nâng cấp và bổ sung hạ tầng mạng viễn thông, đảm bảo 100% xã, phường đều phủ sóng 4G, 3G; nâng cấp đường truyền tốc độ cao tại các trường học; tập huấn cho giáo viên thành thạo phần mềm dạy trực tuyến; bố trí lực lượng hỗ trợ kịp thời cho các trường khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, đơn vị có những chính sách giảm giá cước Internet, ưu đãi sim tốc độ cao để phục vụ cho nhu cầu dạy và học…

Là đơn vị chủ động kêu gọi sự ủng hộ và được nhận hỗ trợ 15 máy tính từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, Trường Tiểu học Êa Trul (huyện Krông Bông) đã có cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt để các em có hoàn cảnh khó khăn đều được tham gia học trực tuyến. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Tiến chia sẻ: Với hơn 500 em trong tổng số 692 học sinh toàn trường chưa có thiết bị học trực tuyến, nhà trường đã chia học sinh thành các nhóm nhỏ; đưa máy tính về từng thôn, buôn, đặt tại các nhà cộng đồng, nhà thôn, buôn trưởng… để dễ quản lý và tạo điều kiện cho các em học tập. Nhờ đó, từ chỗ chỉ có 150 học sinh lúc mới tổ chức dạy trực tuyến, sau khi triển khai theo hình thức này, hầu hết học sinh đều tham gia đầy đủ. Khi kết thúc thời gian học trực tuyến, số máy trên lại được nhà trường thu hồi, xây dựng thành phòng máy vi tính để phục vụ việc học Tin học của các em (trước đó nhà trường chưa có phòng máy tính).

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.