Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những người “đo gió, đếm mưa"...

06:29, 10/04/2022

Hằng ngày, mọi người vẫn thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết qua màn ảnh tivi, điện thoại... nhưng hiếm ai biết được, đằng sau bản tin dự báo đó là sự nỗ lực của những quan trắc viên – người “bắt mạch ông trời"

Thầm lặng vì công việc

Đến thăm Trạm Khí tượng Buôn Ma Thuột vào một ngày đầu tháng 4 với cái nắng oi ả, men theo con đường đất đỏ chúng tôi tìm đến được căn nhà cấp bốn nhỏ vắng lặng sau hàng cây rậm rạp. Mặc dù đóng trên địa bàn thành phố, nhưng trạm cách rất xa khu dân cư. Vừa thấy khách, anh Nguyễn Công Chính, quan trắc viên của trạm đã đon đả chạy ra chào hỏi. Chắc hẳn với anh Chính, công việc lặng lẽ một mình này vốn rất cô quạnh nên thấy chúng tôi đến anh vui vẻ đến lạ. Nhìn khuôn mặt phúc hậu luôn nở nụ cười trên môi, nỗi lo về những quan trắc viên nghiêm túc, khó tính vì suốt ngày phải vùi đầu vào những con số rắc rối trong tôi dần tan biến. Trò chuyện với anh Chính mới hay, Trạm Khí tượng Buôn Ma Thuột có 5 người, hôm nay đến lịch trực của anh nên... chỉ có một mình.

Anh Nguyễn Công Chính thực hiện quan trắc nhiệt độ mặt đất tại Trạm Khí tượng Buôn Ma Thuột.

Công việc của anh là phải đi "ốp" (thuật ngữ trong ngành khí tượng thủy văn nói về các ca trực), mỗi ngày có 8 "ốp" vào các khung giờ: 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19, 22 giờ. Đó là quy tắc bất di bất dịch mà mỗi quan trắc viên phải ghi nhớ trong đầu. Dù có nắng gắt, hay mưa giông xối xả thì đến thời điểm đó, anh vẫn phải mang sổ, bút bắt đầu ghi chép số liệu. Rồi từ số liệu thô, anh mã hóa dữ liệu và gửi về Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk. Các số liệu phải được cập nhật đúng thời điểm và chính xác tuyệt đối, không thể sai sót. Chỉ cần chệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Những ca trực đêm không dám chợp mắt vì sợ sai thời gian, hay lúc mưa to gió lớn vẫn lao mình ra đo đạc tại trạm không phải nỗi ám ảnh mà cái chạnh lòng nhất của người “đo giông bão” như anh chính là đêm 30 Tết, lúc mọi người quây quần bên mâm cúng giao thừa đón chào năm mới thì phải một mình một trạm. Đấy cũng chính là câu trả lời cho mọi thắc mắc, sáng mồng 1 Tết vẫn có bản tin dự báo có nắng hay có mưa xuân mà nhà nhà luôn theo dõi để chuẩn bị cho những chuyến du xuân.

Khi hỏi về cảm xúc lúc anh Chính đón giao thừa một mình ở trạm đêm 30 Tết như thế nào, anh nhớ lại: Năm đầu tiên anh có lịch trực ngay đúng đêm giao thừa là lúc đang công tác tại Trạm Khí tượng thủy văn thị xã Buôn Hồ. Giữa cái se lạnh về đêm, nhìn pháo nổ rợp trời, nghe tiếng mọi người reo lên khi năm mới đến, anh có chút chạnh lòng, buồn rầu vì phải xa nhà, không được quây quần bên gia đình. Lúc ấy, mắt anh ngấn lệ. Thế nhưng khi nghe tiếng chuông báo thức reo báo đến giờ đi "ốp", anh cố kìm lòng, gác lại nỗi niềm riêng hoàn thành công việc, kịp mã hóa số liệu gửi về Đài để có bản tin thời tiết phát sóng vào mồng 1 Tết.

Trạm Khí tượng Buôn Ma Thuột.

Bám trạm cho tới lúc... nghỉ hưu

Trò chuyện với anh Chính một hồi lâu thì vừa hay đến ca trực của bà Bế Thị Sao - quan trắc viên có thâm niên lâu nhất trạm. Một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn nhưng đã có gần 30 năm tuổi nghề gắn bó với công việc. Vì vậy, đôi bàn tay tỉ mẩn, thuần thục từng thao tác từ đo, mã hóa, gõ bàn phím nhanh nhẹn của bà đã khiến ánh mắt của tôi bị cuốn hút không thể rời. Vừa làm bà vừa kể, công việc chỉ cần đo, ghi, tổng hợp, báo cáo nhưng nó đòi hỏi tính tỉ mẩn, kỷ luật cao, không được phép trễ một phút, đừng nói tới chuyện quên giờ đến muộn, bịa số liệu, bởi sai một ly là đi… cả nghìn dặm.

Để có được sự thuần thục, tỷ mẩn này, bà cũng đã từng trải qua nhiều khó khăn. Bà kể, năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Cán bộ Khí tượng thủy văn (Sơn Tây, Hà Nội, nay là Đại học Tài nguyên Môi trường), bà một mình từ quê (tỉnh Lạng Sơn) vào làm việc tại Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk. Vượt cả nghìn cây số để theo đúng ngành nghề mình đã học, lúc ấy bà được điều đến công tác tại Trạm Khí tượng thủy văn M’Drắk. Một mình ở nơi xa xứ, lạ nước lạ cái, lại được phân về vùng xa, cách thành phố gần trăm cây số, đường sá đi lại khó khăn, sinh hoạt chật vật. Những ngày đầu chập chững vào nghề còn lóng ngóng gặp nhiều sai sót nên cũng có lúc bà nản lòng muốn bỏ việc về quê nhà.

Những quan trắc viên tại Trạm Khí tượng Buôn Ma Thuột miệt mài với công việc của mình.

Tuy nhiên, nhờ gặp được đồng nghiệp tốt bụng giúp đỡ, truyền lại kinh nghiệm, bà dần trưởng thành và thành thục công việc. Thế là từ đó bà đã gắn bó với nghề này nhờ tình cảm của những đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau tại trạm. Bà bảo, thanh xuân, tuổi trẻ trải qua cùng đồng nghiệp, được vô tư thoải mái, luôn nở nụ cười trên môi, mặc dù thu nhập ít, vất vả, chi tiêu phải chắt bóp mới đủ trang trải cuộc sống nhưng chị em vẫn quan tâm nhau, lạc quan yêu đời. Những tháng ngày đầy tình thương yêu đó đã vun đắp nên niềm đam mê, sự gắn bó với nghề của bà đến ngày hôm nay.

Bây giờ, tuổi đã ngoài 50, sức khỏe không còn tốt như hồi trẻ nhưng “lửa nghề” vẫn cháy, hằng ngày bà vẫn tận tụy với công việc. Bà Sao tâm sự: "Sau mỗi ca trực thâu đêm, tôi chẳng thể ngủ bù lại được, vì đã có tuổi. Nhiều lần các con khuyên tôi nghỉ việc vì lo tuổi già sức khỏe yếu, lại phải làm việc một mình... Nhưng nghỉ sao được, công việc này là niềm đam mê mà tôi đã dành cả đời mình để cống hiến. Tôi sẽ bám trạm đến lúc nghỉ hưu!”.

Cuộc đời của những con người “đo gió, đếm mưa” là vậy, vẫn diễn ra âm thầm, lặng lẽ với niềm đam mê mãnh liệt. Chính sự cống hiến thầm lặng ít ai biết đến đó đã đóng góp to lớn vào công tác dự báo khí tượng nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.