Multimedia Đọc Báo in

Phòng COVID-19 cho người bệnh tim mạch

16:11, 03/03/2022

Ai cũng có nguy cơ mắc COVID-19, tuy nhiên với những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính khi mắc, bệnh sẽ tiến triển nặng và có nhiều biến chứng phức tạp hơn. Với người bệnh tim mạch khi mắc COVID-19 có thể gây ra rối loạn nhịp, suy tim, nhồi máu cơ tim cấp… cho bệnh nhân.

Khi nào đau ngực, khó thở cần cấp cứu?

Theo Thầy thuốc nhân dân, PGS. TS Châu Ngọc Hoa (Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam): Đau ngực khó thở là những dấu hiệu phổ biến của bệnh lý tim mạch và cũng có thể xảy ra ở người bình thường. Tuy nhiên trong thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành, khi cơ thể xuất hiện 2 triệu chứng này, người ta thường liên tưởng, lo sợ bị nhiễm COVID-19. 

Do vậy, người bệnh tim mạch cần lưu ý: Đây là những triệu chứng đã từng gặp trước đây, vì bất cứ lý do nào tình trạng bệnh thay đổi về tính chất, cường độ, thời gian như: Trước đây cơn đau ngực, khó thở chỉ xuất hiện khi làm việc, tập luyện gắng sức, bây giờ khi đang nghỉ ngơi cũng xuất hiện. Hoặc trước đây đau ngực, khó thở uống thuốc hoặc nghỉ ngơi sẽ giảm, bây giờ ngay cả khi uống thuốc, nghỉ ngơi tình trạng bệnh cũng không thuyên giảm hay trước đây cơn đau chỉ 1 lần/ngày, nhưng nay xuất hiện tần suất nhiều hơn trong ngày  2-3 lần/ngày… thì phải cảnh giác. Nên gọi cho bác sĩ ngay để được tư vấn.

Đau ngực có thể do bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thậm chí là thần kinh. Đau ngực do tim mạch (đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành) thường có ít nhất 2  trong 3 dấu hiệu: Cơn đau ngực xảy ra gắng sức hoặc stress về tình cảm. Cơn đau ngực xảy ra ở vùng ngực trái (sau xương ức) thời gian khoảng từ 2-20 phút, cảm giác giống như có gì đè nặng hay bóp chẹt trong tim sau đó lan lên vai, xương hàm cánh tay. Triệu chứng giảm đi khi nghỉ ngơi, hay uống thuốc.

Khi cơn đau ngực thay đổi về cường độ, tính chất cơn đau phải gọi điện thoại cho bác sĩ để được tư vấn chính xác, kịp thời.
(Ảnh minh họa)

Nếu bạn có 2 triệu chứng trên thì là đau ngực do tim mạch còn lại có thể là do nguyên nhân khác như do vấn đề hô hấp (viêm phổi, tràn dịch màng phổi), tiêu hóa (trào ngược thực quản dạ dày), chấn thương xương sườn hoặc do thần kinh.

Với những người có bệnh lý tim mạch, khi cơn đau ngực thay đổi về cường độ, tính chất cơn đau phải gọi điện thoại cho bác sĩ để được tư vấn chính xác, kịp thời.

Với những người không có bệnh lý tim mạch cần lưu ý: Đau ngực kèm khó thở đột ngột, đặc biệt sau thời kỳ hậu phẫu mới mổ xong, thay khớp xương, háng… đau  dữ dội, lan phía sau lưng trên cơ địa tăng huyết áp, không kiểm soát được trước đó huyết áp bình thường. Đau ngực kèm tím tái khó thở, huyết áp tụt thì nên đưa đi cấp cứu. Đó là những trường hợp đau thắt ngực không do bệnh lý tim mạch cần cấp cứu ngay để không ảnh hưởng đến sinh mạng bệnh nhân.

Cách phòng bệnh

Theo PGS. Châu Ngọc Hoa, người bệnh tim mạch là một trong những đối tượng rất nhạy với COVID-19, khi mắc, bệnh dễ trở nên nặng nề, khó kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát tình trạng tim mạch luôn ổn định. Khi không có việc gì cần thiết nên ở nhà, không ra ngoài nhất là chỗ đông người như công viên, chợ, siêu thị...

- Hạn chế di chuyển lên tuyến trên khám bệnh, có thể khám tại các cơ sở y tế địa phương. Có thể đề xuất với bác sĩ kê thuốc trong 2 tháng, trong quá trình sử dụng thuốc cần thường xuyên liên hệ với bác sĩ qua điện thoại để việc theo dõi đánh giá điều trị luôn được đảm bảo thông suốt.

Kiểm tra huyết áp mỗi ngày để kiểm soát tình trạng bệnh.
Kiểm tra huyết áp mỗi ngày để kiểm soát tình trạng bệnh. (Ảnh minh họa)

- Nên có tủ thuốc gia đình với các loại thuốc giảm đau, hạ sốt (dạng viên, sủi), chống tiêu chảy, đầy hơi, chống dị ứng, băng bông y tế, thuốc đỏ, cặp nhiệt độ, máy theo dõi huyết áp. Thường xuyên theo dõi hạn sử dụng của các loại thuốc để tránh sử dụng các thuốc hết hạn. Người bệnh tim mạch thường kiểm soát huyết áp rất tốt nên các bệnh lý ít khi trở nặng.

Chủ yếu khi bị những bệnh vặt như cảm, đầy hơi, ăn uống khó tiêu, đau bụng khiến người bệnh lo lắng quá, dẫn đến ảnh hưởng đến huyết áp. Do đó tủ thuốc gia đình để chữa những bệnh thông thường rất quan trọng để giúp cho bệnh nhân kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn và cũng giúp người thân đỡ vất vả hơn.

Lưu ý, các thuốc về tim mạch, huyết áp không tự ý dự trữ, nên có số điện thoại của bác sĩ điều trị để khi có trường hợp khẩn cấp gọi bác sĩ để được hướng dẫn.

- Chăm sóc, theo dõi sức khỏe, theo dõi huyết áp mỗi ngày.   

- Tăng huyết áp là bệnh mạn tính, 95% là tăng huyết áp vô căn, phải trị dùng thuốc suốt đời. Phương pháp điều trị là song hành dùng thuốc theo bác sĩ kê đơn và thay đổi lối sống. Nhiều người sợ tác dụng phụ của thuốc, hoặc khi thấy bệnh đã cải thiện đã tự ý bỏ thuốc. Cảnh báo của bác tim mạch là không được tự ý bỏ thuốc, bởi các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp đa phần xảy ra ở người bệnh không tuân thủ theo đơn thuốc bác sĩ kê, tự tăng - giảm liều, uống ngắt quãng, hay bỏ thuốc…

- Người bệnh tim mạch cần rèn luyện sức khỏe, tập thể dục vừa sức, ăn uống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng… Chế độ ăn cần lưu ý với những người đang dùng thuốc chống đông phải tránh dùng các loại rau xanh có nhiều vitamin K  như bắp cải, cải xoăn, rau diếp, bơ, măng tây…

Theo Sức khỏe và Đời sống
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.