Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Giáo dục đại học cần được đổi mới căn bản và toàn diện

09:05, 25/11/2011

•    Tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp về giao thông

Sáng qua (24-11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu tập trung chất vấn về chất lượng giáo dục đại học (ĐH), giải quyết tình trạng học thêm-dạy thêm, đầu tư cho giáo dục mầm non, chính sách thâm niên cho nhà giáo.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Chất lượng giáo dục ĐH hiện nay chưa đạt chất lượng. Nhiều trường ĐH không tuyển đủ sinh viên là do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, năng lực giáo viên còn hạn chế. Bộ GD-ĐT đang tiến hành khảo sát, thanh tra một số trường ĐH không đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở đó, giảm tỷ lệ sinh viên/giáo viên xuống, chỉ đạo các trường xem xét lại việc mở ngành, đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, thực trạng giáo dục ĐH hiện nay cần được cải thiện căn bản, toàn diện từ chương trình, giáo viên, hệ thống quản lý, đề án đổi mới toàn diện sách giáo khoa, nội dung chương trình giảng dạy. Chúng ta cần những trường tốt, tương xứng với những trường ở trong khu vực và trên thế giới nên sắp tới sẽ kiên quyết giải thể, đình chỉ hoạt động những trường không đáp ứng yêu cầu.
Trong phiên chất vấn, một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chất lượng yếu kém của hệ giáo dục tại chức, từ xa. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, nguyên nhân của tình trạng này là do hiện tượng chạy theo bằng cấp. Người học chưa ý thức được việc học nghiêm túc, một số địa phương chưa coi trọng chất lượng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ở các trường ĐH mở hình thức đào tạo tại chức. Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng yếu kém này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Cũng tại phiên chất vấn, có đại biểu Quốc hội cho rằng, Giáo dục ĐH hiện nay cần phải được tái cấu trúc, đổi mới căn bản và toàn diện như đối với tái cấu trúc nền kinh tế.

Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình thêm về chất lượng giáo dục ĐH. Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cần công bố chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đối với một sinh viên. Ngoài ra, cần có sự đột phá về quản lý chất lượng giáo dục, phân cấp trách nhiệm của các địa phương trong quản lý hệ giáo dục giáo dục ĐH, đánh giá chất lượng giáo viên. Chính sách đầu tư cho giáo dục ĐH nên theo hướng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư cho giáo dục, hướng tới giao quyền tự chủ cho các trường dựa theo chất lượng đào tạo.

Trước đó, ngày 23-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Trả lời các đại biểu Quốc hội về giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đang là một vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân, gây thiệt hại về người và của cho xã hội. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhằm giải thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, cần tiến hành đồng bộ các nhóm giải pháp, bao gồm cả các giải pháp trước mắt và lâu dài. Giải pháp mấu chốt là nâng cao chất lượng, hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Trước mắt, ngành sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông Bắc-Nam, nâng cấp quốc lộ 1A, tiếp tục đầu tư đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường vành đai biên giới, giao thông nông thôn, nghiên cứu đầu tư đường sắt khổ lớn, đường sắt tốc độ cao.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng trong các nhóm giải pháp nhằm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, đột phá là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trước hết là tăng cường tính nghiêm minh, cương quyết của người thực thi công vụ kết hợp với tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho nhân dân. Đồng tình với giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông của Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy 80% số vụ là do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra.

Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.