Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện nông thôn mới

14:40, 28/06/2013

Kỳ II: Gập ghềnh đường lên Nông thôn mới

Gần 80% dân cư sản xuất nông nghiệp phân bố không đồng đều trên diện tích tự nhiên  rộng, các quy hoạch chưa hoàn chỉnh, nhận thức của một bộ phận nhân dân về NTM chưa cao, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn nhân lực, tài lực còn yếu, đội ngũ cán bộ thiếu và bất cập… Đó là khó khăn mà Dak Lak phải đối mặt trong quá trình triển khai XDNTM

Hạ tầng giao thông, thủy lợi... còn nhiều khó khăn

Tìm hiểu thực tế ở các địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất trong triển khai thực hiện XDNTM nằm ở công tác quy hoạch và nguồn vốn. Một trong những tiêu chí hàng đầu để xây dựng thành công NTM là công tác quy hoạch. Công tác này có vai trò hết sức quan trọng và cần đi trước một bước, nhưng đến nay vẫn còn 3 huyện Ea H'leo, Ea Súp và Krông Buk chưa thông qua quy hoạch NTM của huyện. Nguyên nhân là do cán bộ cấp xã chưa sâu sát với tình hình thực tiễn của địa phương mình để có số liệu chính xác phục vụ việc lập quy hoạch của đơn vị tư vấn. Đồng thời, một số đơn vị quy hoạch năng lực yếu, cùng lúc phải thực hiện nhiều đồ án, thiếu am tường về tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa Tây Nguyên nên lập quy hoạch hời hợt, thiếu thuyết phục. Ví dụ, chỉ 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần đầu tư tài chính AFI (Dak Lak) và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phương Minh (Hà Nội) đã "bao thầu" việc lập quy hoạch NTM ở các xã của 3 huyện Ea H'leo, Ea Súp và Krông Buk nên việc phê duyệt quy hoạch của các địa phương này chậm là điều đương nhiên. Bên cạnh đó, nguồn vốn để triển khai chương trình rất hạn chế nên một số địa phương muốn thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt cũng "lực bất tòng tâm"! Theo phản ánh của các địa phương, vốn ngân sách (theo quy định về cơ cấu là 40%) nhưng đến nay mới chỉ được bố trí rất ít, chủ yếu để phục vụ hoạt động của ban chỉ đạo và việc lập quy hoạch. Riêng nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quá thiếu so với nhu cầu thực tế hiện nay. Một cán bộ quản lý nông nghiệp tỉnh cho rằng, để đạt được mục tiêu xây dựng thành công NTM thì các địa phương có điểm xuất phát thấp cần được đầu tư 1000 tỷ đồng - một con số quá lớn trong điều kiện khó khăn về kinh tế, tài chính hiện nay.

Thủy lợi là một trong những tiêu chí khó hoàn thành trong điều kiện  hiện nay của nhiều địa phương.                                    Ảnh: Minh Thông
Thủy lợi là một trong những tiêu chí khó hoàn thành trong điều kiện hiện nay của nhiều địa phương. Ảnh: Minh Thông

Cũng theo lãnh đạo nhiều địa phương: các tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 3 về thủy lợi và tiêu chí số 11 về hộ nghèo là quá sức, rất khó để đạt được trong điều kiện hiện nay. Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên tiêu chuẩn về giao thông quy định: tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải đạt 100%; tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật 70%; tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%, trong đó 50% cứng hóa; tỷ lệ km đường trục chính nội đồng cũng phải được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 70%; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa đạt 45%; tỷ lệ hộ nghèo còn 7%. Có thể nói, để hoàn thành được những con số này là điều không dễ dàng, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Lài, Phó trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Ea H'leo cho rằng: "Để đạt được tiêu chí về giao thông, thủy lợi là rất khó khăn, đặc biệt với các huyện Ea H'leo, Ea Súp, Lak, Krông Bông và M'Drak do địa hình phức tạp, chi phí đầu tư rất lớn trong khi việc huy động nguồn vốn cũng không dễ".

Trăn trở... xã 1 tiêu chí

Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, đến thời điểm này, số tiêu chí XDNTM mà các xã đạt được tương đối thấp, trong đó địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất là xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), đạt 15 tiêu chí. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 7 xã mới đạt 1/19 tiêu chí NTM gồm: Ea Tir (huyện Ea H’leo), Ea Sin (huyện Krông Buk), Ea Dah (huyện Krông Năng), Ya Jlơi, Cư Kbang, Ya Lốp và Ia R’vê (huyện Ea Súp). Tuy nhiên, trên thực tế thì chất lượng các tiêu chí mà các xã đạt được nói trên chưa cao, thậm chí nếu đánh giá một cách chặt chẽ thì vẫn còn có xã đang trắng tiêu chí. Đây là những địa phương ở vùng sâu, vùng xa, có điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình hiểm trở...

Ea Súp là huyện biên giới, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên địa phương có kết quả cao nhất cũng chỉ đạt 5 tiêu chí (xã Ea Bung), đặc biệt, có 4/9 xã mới đạt được 1/19 tiêu chí (y tế) gồm Ya Jlơi, Cư Kbang, Ya Lốp và Ia R’vê. Song, điều đáng nói là 4 xã này đạt chuẩn quốc gia về y tế, nhưng chiếu theo quy định tiêu chí NTM thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Cho nên, trên thực tế, các địa phương này vẫn gần như chưa có gì của một xã NTM. Có thể nói, đến nay xã Cư Kbang mới ở những bước đi đầu tiên trong hành trình XDNTM với “hành trang” là xã vùng sâu, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Ông Đàm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cho biết: trên địa bàn xã hầu như chưa có công trình thủy lợi, việc sản xuất chủ yếu dựa vào “nước trời”; hệ thống trường học từ mầm non đến THCS đã có, nhưng cơ sở vật chất còn nghèo nàn; 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo ở mức 62%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 4 triệu đồng/người/năm; tình trạng di cư tự do khiến tình hình dân cư không ổn định và phá vỡ quy hoạch  của địa phương… Bên cạnh đó, công tác quy hoạch NTM chậm, chất lượng thấp và nguồn vốn đầu tư hạn chế nên địa phương không thể triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Văn Long, Phó trưởng phòng NN – PTNT huyện Ea Súp cho biết: Việc triển khai XDNTM trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế – xã hội của các địa phương quá yếu, nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu và công tác lập quy hoạch còn chậm. Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp về chỉ đạo, tuyên truyền, nhưng vấn đề cơ bản là cần phải có vốn để xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi để tạo động lực cho việc phát triển kinh tế.

Ngày 20-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 342/QĐ-TTg sửa đổi 5 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16-4-2009 (tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về về cơ cấu lao động, tiêu chí số 14 về giáo dục và tiêu chí số 15 về y tế). Cụ thể: để đạt tiêu chí thu nhập thì thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn so với mức bình quân chung của tỉnh phải đạt từ 1,2 - 1,5 lần (tùy từng vùng); tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động được đổi thành tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên từ 90% trở lên; tiêu chí chợ nông thôn, nội dung "chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng" được thay thế bằng nội dung "chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định"; quyết định cũng sửa đổi nội dung "phổ cập giáo dục trung học" trong tiêu chí về giáo dục thành "phổ cập giáo dục trung học cơ sở"; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức Bảo hiểm y tế trong tiêu chí số 15 về y tế được sửa đổi thành "Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế" với chỉ tiêu chung cho cả nước đạt từ 70% trở lên.

Kỳ cuối: Để mục tiêu xây dựng Nông thôn mới về đích đúng hẹn

Minh Thông – Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.