Multimedia Đọc Báo in

Nghịch lý về giá trong cung - cầu

10:37, 20/08/2013

Chuyện không còn xa lạ: đã có nhiều thời điểm, rất nhiều mặt hàng, nhất là nông sản, thực phẩm, khi rớt giá, nông dân bán giá thấp đã đành nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua cao. Khoản lợi nhuận chênh lệch chảy vào túi ai và đâu là nguyên do chính của nghịch lý về giá này?

Bắt đầu từ ruộng vườn

Suốt mấy ngày qua, đứa con gái đang mang thai của bà Nhật ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn than mệt. Bà đưa con đi khám thì bác sĩ yêu cầu phải nhập viện càng sớm càng tốt. Gia cảnh chẳng khấm khá gì, bà quyết định bán con heo khoảng ba chục ký để có tiền cho con đi viện. Nhưng thấy thương lái trả giá quá “bèo”, bà đành chạy vạy khắp nơi hỏi mượn người quen, hàng xóm láng giềng, chỉ mong giữ lại con heo làm vốn, chờ ngày giá lên chứ không cũng uổng công mấy tháng trời chăm sóc. Điều băn khoăn nhất của bà Nhật là tại sao đi chợ, giá thịt heo vẫn chẳng mấy thay đổi dù người chăn nuôi như bà có than trời vì giá heo thấp, từ 34-36 nghìn đồng/kg hơi, thấp hơn so với giá thành đầu tư  khoảng 6 – 7 nghìn đồng cho mỗi ki-lô-gam.

Người nông dân trực tiếp sản xuất rau quả chịu nhiều thiệt thòi khi thường phải bán giá thấp hơn trong khi thực tế rau đến tay người tiêu dùng giá vẫn cao.
Người nông dân trực tiếp sản xuất rau quả chịu nhiều thiệt thòi khi thường phải bán giá thấp hơn trong khi thực tế rau đến tay người tiêu dùng giá vẫn cao.

Câu chuyện về giá thịt heo chỉ là một trong nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản xảy ra nghịch lý này. Trước đây, mảnh vườn hai sào của gia đình chị Phạm Thị Lan ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trồng các loại rau cải, đậu cô ve, mướp đắng, sau khi trở thành xã viên của HTX rau an toàn Thuận An, chị Lan chuyên sang trồng rau rừng. Do HTX chưa tổ chức đầu ra nên sản phẩm của gia đình chị Lan chủ yếu là do thương lái thu mua, sau đó đưa vào siêu thị, nhà hàng, hoặc đưa vào các chợ tại thành phố. Không có điều kiện trực tiếp đưa sản phẩm đi bán, chị Lan đành phải bán giá rau rất rẻ cho thương lái. Giá rau tại vườn  từ 10  đến 13 nghìn đồng/kg, trong khi loại rau này được bán tại chợ, siêu thị có giá 35 đến 40 nghìn đồng/kg. Có điều kiện về thời gian, hằng ngày, từ 4 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Dần, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thuận An đã đưa  sản phẩm của gia đình mình đến các chợ lẻ tại TP. Buôn Ma Thuột để bán. Với cách làm này, mỗi ki-lô-gam sản phẩm, ông Dần cũng có thêm 2 đến 3 nghìn đồng. Lấy công làm lãi, nhưng không phải nông dân nào cũng có điều kiện để có thể tự mình đưa sản phẩm đi tiêu thụ như ông Dần.

Nghe chuyện của những người trực tiếp làm ra sản phẩm, hẳn nhiều bà nội trợ ngỡ ngàng khi luôn phải rút hầu bao để mua lương thực, thực phẩm với giá cao, có khi gấp 2-3 lần giá người sản xuất bán ra. Người sản xuất bị ép giá xuống, người tiêu dùng bị đẩy giá lên, thiệt đơn, thiệt kép thuộc về hai đối tượng này trên cán cân cung - cầu.

Nhiều “cầu”, đội giá

Những nghịch lý trên đã tồn tại rất lâu và đang tiếp diễn. Mấu chốt là có quá nhiều “cầu” để lưu thông, phân phối sản phẩm. Chỉ đơn cử, từ chuồng trại cho tới bàn ăn, khi bán gia súc gia cầm, phải qua thương lái, đến lò giết mổ, từ đó đưa ra chợ đầu mối, về chợ lẻ, chợ dân sinh để bán. Theo đó, trước khi đến tay người tiêu dùng, chuỗi giá trị này trung bình đã phải qua từ 3-4 nấc trung gian. Qua mỗi nấc, giá lại được đẩy cao dần lên bởi hiển nhiên chẳng khâu nào, công đoạn nào hạ giá để giảm bớt lợi nhuận của mình. Giá bán rau tại chợ đầu mối cao hơn tại vườn gấp 2 lần và tại siêu thị cao có thể cao gấp 3 lần. Nông dân không thể định giá được hạt gạo, mớ rau, con gà, quả trứng mà chính hệ thống trung gian dày đặc mới là những người quyết định giá. Thêm vào đó, chuỗi phân phối hàng hóa còn rời rạc, chia cắt khiến người trực tiếp sản xuất không thu được lợi nhuận cao, còn người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi do phải mua với giá cao một cách bất hợp lý. Lợi nhuận cao nhất lại chảy vào túi của các thương lái. Khi thị trường ế ẩm, họ ép giá nông dân, còn lúc khan hàng thì họ lại ép giá tiểu thương ở chợ.

Tất nhiên, nói như vậy cũng không phải hoàn toàn trách thương lái. Thực trạng nền sản xuất và phương thức phân phối hàng hóa đã đòi hỏi phải có đội ngũ này. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, siêu thị không thể đi thu mua từng mặt hàng với số lượng nhỏ, nhất là khi hộ gia đình sản xuất không đáp ứng được các thủ tục về hóa đơn, giấy tờ. Đặc điểm này cũng kéo theo một hệ lụy là khó tổ chức thành một chuỗi hay trung tâm, vùng nguyên liệu để cung cấp trực tiếp cho các nhà phân phối. Xem ra bài toán liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp vẫn là một trong những phương án ưu việt để khắc phục những bất cập trên. Bởi lẽ, sự liên kết kèm theo những điều khoản, hợp đồng ký kết sẽ có lợi cho đôi bên: tiết giảm chi phí đầu vào, thuận lợi, ổn định trong tìm kiếm đầu ra. Thêm nữa, theo các nhà quản lý, nhất là trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, những người đồng sản xuất mặt hàng cũng có thể liên kết nhau để tổ chức, xây dựng và hoạt động dưới mô hình các hợp tác xã hoặc hiệp hội để sản phẩm của mình trước khi đến được tận tay người tiêu dùng có thể bớt được một vài công đoạn, khâu trung gian, hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá và “thượng đế” cũng là người được hưởng lợi.

 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.