Multimedia Đọc Báo in

Rừng liên kết có còn hiệu quả kinh tế?

17:12, 16/08/2013

Chủ trương trồng rừng liên kết được các công ty lâm nghiệp (trước đây là các lâm trường) triển khai thực hiện từ năm 2002 với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, ổn định vùng nguyên liệu giấy, góp phần cùng địa phương tạo việc làm ổn định cho dân cư. Tuy nhiên, những năm gần đây, những chủ rừng đang dần dần  không còn mặn mà với việc trồng rừng bởi hiệu quả kinh tế mang lại không như kỳ vọng.

Chi phí đầu tư tăng cao, thị trường thiếu ổn định

Chuẩn bị đất cho mùa trồng rừng 2013 tại Krông Bông.
Chuẩn bị đất cho mùa trồng rừng 2013 tại Krông Bông.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, với chi phí đầu tư trồng rừng 4-5 năm về trước, khoảng 7-12 triệu đồng/ha thì hiệu quả mang lại từ trồng rừng còn tạm ổn. Với hình thức liên kết, trên 1ha đất rừng, lâm trường sẽ đầu tư “trọn gói” cho người dân bao gồm: giống, phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tùy thuộc vào từng loại đất mà nguồn hỗ trợ vốn đầu tư dao động từ 7-12 triệu đồng vào năm thứ nhất, và giảm dần vào các năm kế tiếp. Theo tính toán thì tổng đầu tư cho 3 luân kỳ trong chu kỳ  khai thác 5 năm đầu tiên ước khoảng 13-17 triệu đồng. Khi đến thời điểm khai thác, sau khi lâm trường thu hồi lại vốn đầu tư, sản phẩm sẽ được ăn chia với tỷ lệ 50-50. Vì vậy, trong 5 năm (2002-2007), Công ty đã thu hút khoảng 900 hộ trên địa bàn 5 xã tham gia trồng rừng với tổng diện tích trên 1100 ha, trong đó gần 600 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Các cây trồng chủ yếu là bạch đàn nuôi cấy mô, keo lai giâm hom,  keo lá tràm, xoan ta, dó bầu…, trong đó, 2 loại cây có tốc độ sinh trưởng phát triển tốt là bạch đàn cấy mô và keo lai nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Từ sự liên kết này, không ít diện tích đất trống đồi trọc, đất bị hoang hóa để lãng phí trong dân đến nay đã được phủ xanh.

Tuy nhiên, với trồng rừng thâm canh như hiện nay, chi phí đầu vào tăng cao, khoảng 22 triệu đồng/ha, trong khi giá bán bấp bênh, thì hiệu quả kinh tế mang lại là không đáng kể. Theo tính toán của người dân buôn Phung, xã Cư Pui, bình quân mỗi héc-ta rừng đến chu kỳ khai thác mang lại khoảng 40 triệu đồng.  Như vậy, chia cho chu kỳ 5 năm, bình quân mỗi năm là 5 triệu đồng/ha, trong khi 1 ha sắn cho thu nhập 20 triệu đồ/năm. Chính giá trị kinh tế mang lại quá thấp so với các cây trồng khác, nên từ năm 2009 đến nay không còn hộ dân tham gia liên kết trồng rừng. Cũng theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak, từ năm 2009 trở về trước, người dân tích cực và ủng hộ liên kết trồng rừng, nhưng sau năm 2010, rừng liên kết không còn thu hút được người dân tham gia. Nguyên nhân chính là hiệu quả kinh tế thấp do chi phí đầu vào tăng cao và thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả thiếu ổn định.

Rừng liên kết giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông với người dân xã Hòa Phong được trồng từ năm 2008.
Rừng liên kết giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông với người dân xã Hòa Phong được trồng từ năm 2008.

Để xanh mãi màu xanh của rừng

Không thể phủ nhận hiệu quả của chương trình trồng rừng liên kết mà các công ty lâm nghiệp đã triển khai những năm trước đây, qua đó góp phần thay đổi nhận thức về sản xuất lâm nghiệp, từ phương thức quảng canh sang trồng rừng thâm canh theo hình thức nông lâm kết hợp, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, giải quyết việc làm, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống. Tuy nhiên, khi cây rừng trở nên kém hấp dẫn về hiệu quả kinh tế so với những cây nông nghiệp khác, các công ty lâm nghiệp đành thay đổi “chiến lược” để bảo đảm diện tích trồng rừng hằng năm. Thay vì hình thức liên kết như trước đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã thuê lại đất của người dân với mức từ 7-9 triệu đồng/ha để tiếp tục duy trì trồng rừng. Ông Bùi Quốc Tuấn chia sẻ, dù hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể,  nhưng việc trồng rừng đã có những tác động tích cực cho xã hội, môi trường nên đơn vị tiếp tục duy trì, hơn nữa đây còn là nhiệm vụ hằng năm của Công ty. Bên cạnh đó, việc trồng rừng trên đất khai hoang vốn đã bạc màu còn góp phần cải tạo đất, sau 1 đến 2 chu kỳ trồng keo, khi đơn vị trả lại đất cho người dân, họ có thể sử dụng để canh tác, sản xuất nông nghiệp, hoặc cũng có thể tự đầu tư trồng rừng phát triển kinh tế gia đình.  Hiện tại, trong số 1.400 ha rừng trồng có đến 900 ha là diện tích rừng đã thuê lại đất của hơn 400 hộ gia đình từng liên kết trồng rừng với đơn vị trước đây. Số diện tích này chủ yếu là hệ thống nương rẫy đã bị bỏ hoang, không thể sử dụng trong canh tác nông nghiệp.

Còn với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Drak, để giữ được màu xanh cho những cánh rừng trồng, công ty chỉ còn duy trì hình thức trực tiếp giao khoán cho hơn 500 hộ gia đình nhận trồng, chăm sóc bảo vệ, với mức 4 – 5 triệu đồng/năm (tiền đầu tư, giống cây trồng, nhân công trồng rừng…) đối với rừng từ năm thứ 1 đến năm thứ 4. Từ năm thứ 4 trở đi, rừng được giao khoán trực tiếp cho hộ dân tự quản lý, bảo vệ, mức hưởng lợi là 2% lợi nhuận sau khi bán gỗ. Còn đối với rừng phòng hộ chuyển đổi thành rừng sản xuất được giao khoán cho người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ, đến chu kỳ khai thác, người dân được hưởng 70% lợi nhuận. Đây cũng chính là một trong những cách làm để thu hút người dân gắn bó với rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.