Multimedia Đọc Báo in

Công nghiệp Buôn Ma Thuột: Những tín hiệu lạc quan

10:17, 19/08/2013

Sau thời gian đối mặt với nhiều khó khăn khiến tình hình sản xuất èo uột, xuất khẩu ảm đạm, nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc hoạt động cầm chừng, nay ngành công nghiệp TP. Buôn Ma Thuột đã có những tín hiệu khởi sắc trong những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của UBND TP. Buôn Ma Thuột, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ đầu năm đến nay đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương hơn 50% kế hoạch năm 2013 và giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là một số ngành, sản phẩm có tốc độ tăng trưởng thấp, thậm chí giảm sản lượng, khả năng cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, giá cả nguyên nhiên, liệu đầu vào tăng cao, cơ chế mới về thuế xuất khẩu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, một số DN tuy đã nỗ lực tổ chức lại thị trường, sản xuất nhưng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Sản xuất cơ khí tại Công ty Đăng Phong.
Sản xuất cơ khí tại Công ty Đăng Phong.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là một số sản phẩm chủ lực vẫn giữ được “phong độ” như: cà phê, máy bơm, dây chuyền chế biến cà phê, bia, điện…; đồng thời, các sản phẩm nông nghiệp chế biến là thế mạnh lâu nay như cà phê, cao su, tiêu mặc dù gặp khó khăn về thị trường, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn ổn định. Đặc biệt, 2 ngành điện, nước đã và đang có những tín hiệu khả quan, bởi đang là thời điểm mùa mưa, nguồn nước ngầm và trữ lượng nước các hồ thủy điện ổn định tạo nhiều thuận lợi để phát triển, góp phần tăng giá trị toàn ngành công nghiệp. Đối với sản xuất và cấp nước, đến thời điểm này, lượng nước ngầm đã phục hồi, sản lượng nước tăng lên so với thời điểm mùa khô. Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Dak Lak cho biết, với việc lượng nước ngầm và nguồn điện đã ổn định thì việc điều tiết sản xuất thuận lợi hơn và giảm chi phí; sản lượng bình quân đạt gần 1,4 triệu m3/tháng, tăng 25% so với trước đó. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm là mùa làm ăn của các đơn vị làm thủy điện, bởi trữ lượng nước tại các hồ chứa ổn định, thời gian vận hành máy tăng 12-14 giờ/ngày lên 18-24 giờ/ngày, sản lượng điện liên tục tăng lên. Cụ thể, theo tính toán của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, đến tháng 9 hồ chứa sẽ đầy nước, các tổ máy có thể hoạt động 24/24 giờ, sản lượng điện sản xuất trong vòng 3 tháng cuối năm sẽ đạt 35-40%, cả năm đạt gần 2,3 tỷ KWh.

Một dấu hiệu tốt cho hoạt động sản xuất là vốn vay đối với các DN đang được mở rộng hơn với nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể, ngày 18-7-2013, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức 7-9%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác không quá 12,8%. Nhiều ngân hàng cũng đã hạ lãi suất cho vay DN, thậm chí có nơi hạ còn 5%/năm. Có thể nói, đây là điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tự thân các DN cũng đã có những cách làm hay để duy trì hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh trong đơn vị. Đơn cử là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong. Là DN hoạt động ở lĩnh vực cơ khí chế tạo, ngoài khó khăn chung về tài chính tiền tệ, thị trường tiêu thụ, đơn vị cũng đối diện với nhiều thách thức: chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển, giá nhân công tăng… Trước tình hình này, công ty đã rà soát, tính toán các chi phí đầu vào để từ đó giảm các khoản hao phí không cần thiết; tổ chức lại dây chuyền sản xuất một cách hợp lý, gọn nhẹ nhằm rút ngắn thời gian sản xuất. Mặt khác, do chi phí sản xuất tăng hơn 15-20% nên đơn vị tìm mọi cách để ổn định giá bán sản phẩm, cải tiến mẫu mã nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhờ thực hiện những giải pháp hiệu quả trên nên việc sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn tiến triển, số lượng sản phẩm hàng năm duy trì ổn định khoảng 20.000 máy móc các loại, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra toàn quốc.

Ông Phan Văn Mạo, Phó phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột nhận định, từ nay đến cuối năm, các DN sẽ tăng tốc sản xuất để đạt kế hoạch đề ra và phục vụ nhu cầu hàng hóa dịp tết Nguyên đán; đồng thời, việc triển khai các gói tín dụng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp đang được các ngân hàng áp dụng là cơ sở để giúp ngành công nghiệp thành phố chuyển biến tích cực cả về sản lượng hàng hóa và giá trị sản phẩm.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.