Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ huyện Ea Kar vượt khó lập nghiệp

09:16, 07/08/2015

Trong những năm qua, phong trào “Thi đua lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình” đã được đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Ea Kar hưởng ứng tích cực. Nhiều ĐVTN đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

Chị H’Nan Byă, Phó Bí thư Huyện Đoàn cho biết, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Ban Thường vụ Huyện Đoàn và các Đoàn cơ sở đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho ĐVTN toàn huyện. Nhờ đó, phong trào “Thi đua lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình” đã được đông đảo ĐVTN tích cực hưởng ứng và thực hiện bằng nhiều cách làm hay. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn đã có nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển kinh tế như: tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi, những chủ trang trại trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình sản xuất gà giống chất lượng cao của anh Đoàn Tâm Kê ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar (ảnh nhân vật cung cấp).
Mô hình sản xuất gà giống chất lượng cao của anh Đoàn Tâm Kê ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar (ảnh nhân vật cung cấp).

 Phong trào “Sáng tạo trẻ” và “4 mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới) đã phát huy được những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh trong thanh niên vùng nông thôn. Trong đó, mô hình tổ sản xuất máy gặt lúa liên hoàn của ĐVTN thôn 22, xã Cư Bông là một điển hình. Anh Bùi Văn Chí chủ nhiệm mô hình kể: Đầu năm 2011, Đoàn xã Cư Bông triển khai chương trình xây dựng các câu lạc bộ, mô hình phát triển kinh tế cho ĐVTN địa phương. Được Ban Chấp hành Đoàn xã tư vấn, một số ĐVTN chi đoàn thôn 22 đã bàn bạc cùng nhau vay tiền, góp vốn mua một chiếc máy gặt lúa liên hoàn trị giá 220 triệu đồng để phục vụ bà con trong xã thu hoạch lúa. Ban đầu, tổ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm sử dụng, thiếu vốn duy trì hoạt động sản xuất… Vượt qua khó khăn ban đầu, sau 4 năm thành lập, đến nay tổ sản xuất đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong sản xuất nông nghiệp của nông dân trong xã. Sự ra đời của tổ sản xuất với chiếc máy gặt lúa liên hoàn đã giúp bà con nông dân giảm được một nửa chi phí sản xuất so với gặt thủ công. Mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, tổ sản xuất thu lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, tổ còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều ĐVTN trong chi đoàn với thu nhập cao. Theo anh Chí, tổ sản xuất muốn đầu tư kinh phí mua thêm máy móc và mở rộng địa bàn hoạt động. Do đó, mong muốn của tổ là được chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể có chính sách ưu đãi hơn nữa trong việc hỗ trợ vay vốn sản xuất; tạo điều kiện tham gia vào các khóa tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học hỏi các mô hình...

Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế, ngày càng nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện Ea Kar đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. Tham quan vườn xanh mướt cà phê, hồ tiêu cùng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm được đầu tư xây dựng bài bản, chúng tôi thật sự cảm phục trước quyết tâm dám nghĩ dám làm, manh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo của anh Bùi Xuân Hiến, Bí thư chi đoàn thôn Hạ Điền, xã Xuân Phú. Năm 2008, anh Hiến canh tác, sản xuất trên 1,4 ha đất trồng hoa màu, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế, anh Hiến đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một năm sau, mảnh vườn đã được thay thế bằng 600 cây cà phê, 100 trụ tiêu và khu chuồng trại chăn nuôi heo, gà… Nhờ chăm chỉ lao động cùng ý chí quyết tâm vượt khó làm giàu, anh tiếp tục mở rộng mô hình trồng trọt chăn nuôi của mình. Giờ đây mảnh vườn cằn cỗi khi trước của anh Hiến đã được phủ xanh bằng 300 trụ tiêu đang cho thu hoạch và 400 trụ mới trồng thêm, cùng trang trại chăn nuôi với 10 con heo nái, 100 con heo thịt, 500 con gà… Hằng năm sau khi trừ hết chi phí gia đình anh có thu nhập gần 200 triệu đồng.

Theo thống kê, huyện Ea Kar hiện có hơn 40 mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trong ĐVTN. Trong đó , nhiều mô hình được đầu tư quy mô, bài bản, mang lại hiểu quả kinh tế rõ rệt như mô hình sản xuất gà giống chất lượng cao của anh Đoàn Tâm Kê (xã Cư Ni), mô hình nuôi cá lóc của anh Nguyễn Văn Sơn (thị trấn Ea Kar) đã được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013 và 2014…Chị H’Nan Byă khẳng định, phong trào “Thi đua lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình” của ĐVTN huyện Ea Kar đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, tạo chuyển biến sâu sắc đến ý thức vươn lên làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò của thanh niên trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.