Multimedia Đọc Báo in

Cần cú "hích" cho phát triển chuỗi giá trị nông sản vùng Tây Nguyên

09:12, 07/08/2015

Tây Nguyên được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, nhất là về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, một trong những nguyên nhân chính là thiếu sự liên kết vùng trong các sản phẩm nông nghiệp.

Nhiều rào cản

Tây Nguyên vốn có tiềm năng, lợi thế to lớn về đất đai, khoáng sản, tài nguyên khí hậu đặc thù… phù hợp để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Với những điều kiện đó, Tây Nguyên đang từng bước phát triển trở thành vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm của cả nước, với nhiều sản phẩm chủ lực như cà phê (chiếm 92,8% diện tích); tiêu (chiếm 47% diện tích và 52,4% sản lượng); cao su (chiếm 29% diện tích và 20% sản lượng) so với cả nước… Tuy nhiên, tính chất sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, khả năng hợp tác liên kết yếu; thị trường lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ… đang là những rào cản nội tại đối với phát triển nông nghiệp của vùng. Mặt khác, cà phê, hồ tiêu, cao su là những cây trồng phục vụ xuất khẩu, gắn chặt với cung cầu của thị trường quốc tế nhưng chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sản phẩm có chất lượng thấp. Cụ thể, 90% sản lượng cà phê của Việt Nam (chủ yếu của vùng Tây Nguyên) được xuất khẩu, nhưng phần lớn là cà phê nhân xô chất lượng không đồng đều, chỉ có khoảng 8% cà phê dưới dạng chế biến; hơn 80% sản lượng cao su Việt Nam dành cho xuất khẩu nhưng chủ yếu là loại cao su mủ cốm, sơ chế có chất lượng thấp nên giá bán cũng thấp hơn so với các nước khác như Thái Lan, Malaysia và phụ thuộc mạnh vào thị trường Trung Quốc; khoảng 94% hồ tiêu dành cho xuất khẩu nhưng hầu hết cũng ở dạng hạt thô và chưa có thương hiệu. Chính điều đó làm cho giá trị gia tăng của các sản phẩm còn thấp so với tiềm năng.

Chế biến mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.
Chế biến mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.

Bên cạnh đó, các khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong vùng chưa đáp ứng yêu cầu của một ngành hàng hiện đại, bởi hiện nay việc liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với cánh đồng mẫu chưa nhiều, trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp (DN) không có liên kết với người trồng để xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán hoặc phát triển tự phát ngoài quy hoạch. Vai trò của HTX, tổ hợp tác còn hạn chế nên chưa trở thành cầu nối giữa DN và hộ nông dân để cùng chia sẻ trách nhiệm với DN trong chuỗi liên kết. Theo ông Đào Đức Huấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, bối cảnh sản xuất nông nghiệp có sự tham gia rất đông các hộ nông dân với trình độ sản xuất, ý thức kinh doanh và nhận biết thị trường rất đa dạng, điều này làm cho chuỗi giá trị trở nên phức tạp và rất khó điều chỉnh để có thể tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đồng nhất về chất lượng, đặc biệt là khả năng tự điều chỉnh quy mô sản xuất theo tín hiệu thị trường. Bối cảnh đó đòi hỏi vùng Tây Nguyên phải có hình thức tổ chức sản xuất phù hợp để thu hút nông dân cùng sản xuất ra sản phẩm cùng chất lượng, cùng mẫu mã và đưa ra thị trường khối lượng sản phẩm đúng theo nhu cầu để giảm thiểu sự bất cập giữa cung và cầu trên thị trường về sản phẩm nông sản nào đó.

Xây dựng thương hiệu các sản phẩm mũi nhọn...

Tây Nguyên có tiếng trên thế giới về sản xuất cà phê nhưng cho đến nay chưa có thương hiệu chung cho cả vùng. Mặc dù đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột nhưng chỉ mới cấp cho hạt cà phê chứ không phải cho cà phê chế biến, mặt khác việc khai thác giá trị thương mại của chứng nhận này chưa cao, số cơ sở sản xuất đăng ký sử dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý còn ít. Hồ tiêu cũng rơi vào tình trạng tương tự, Tây Nguyên có nhiều vùng trồng hồ tiêu chất lượng cao, có thể phát triển thành các sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng cao nhưng hiện tại mới có chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), tuy nhiên nhãn hiệu này lại ít có giá trị thương mại quốc tế do nhiều nước không chấp nhận… Tình trạng thiếu thương hiệu quốc gia với hệ thống quy chuẩn về chất lượng đối với sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của vùng Tây Nguyên đã hạn chế việc kiểm soát, khuyến khích các tác nhân ngành hàng áp dụng quy trình để có sản phẩm chất lượng tốt, đồng đều.

Sản phẩm cà phê của Đắk Lắk được trưng bày tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V-2015.
Sản phẩm cà phê của Đắk Lắk được trưng bày tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V-2015.

Thực tế cho thấy, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu nông sản không chỉ là định hướng cho sự phát triển của ngành hàng nông sản, mà còn xây dựng các mối liên kết giữa các cộng đồng sản xuất trên cơ sở những tiêu chuẩn về chất lượng, danh tiếng và giá trị của sản phẩm. Để thực hiện được mục tiêu đó đòi hỏi nhiều giải pháp, bao gồm cả định hướng, chính sách và sự hỗ trợ của các tác nhân trong ngành hàng và các cơ quan quản lý của địa phương. Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, đối với Tây Nguyên, trong liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp thì không nên nói chung chung nữa mà cần chọn ra sản phẩm chủ lực để phát triển. Trong chuỗi giá trị đó phải xác định được ai là hạt nhân? Thực tế cho thấy, nông dân và HTX không thể làm được, chỉ có DN mới làm được, mới là đầu tàu, còn các thành phần khác là hạt nhân xung quanh. Ông Đào Đức Huấn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, trước tiên cần phải rà soát và xác định sản phẩm mũi nhọn của vùng để xây dựng các thương hiệu, đồng thời hình thành hội đồng điều phối ngành hàng vùng Tây Nguyên, đây sẽ là đầu mối, là cơ quan giám sát trong xây dựng các quy hoạch, định hướng phát triển các chuỗi giá trị của vùng.

Tây Nguyên cần có một chiến lược tái cơ cấu kinh tế chung toàn vùng thay vì tái cơ cấu kinh tế từng tỉnh. Do đó, tính liên kết vùng trong xây dựng mô hình tăng trưởng Tây Nguyên chung theo ngành và lĩnh vực là hết sức cần thiết. Đặc biệt, liên kết vùng trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Nguyên không chỉ để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại mà còn để gia tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng trên địa bàn chiến lược này…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.