Multimedia Đọc Báo in

Giúp nhau vượt qua cơn khát

17:47, 19/04/2016

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, vào thời kỳ cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Krông Bông đang chật vật vì thiếu nước sinh hoạt. Trong tình cảnh khó khăn đó, chính quyền địa phương và người dân đã cùng chia sẻ, giúp nhau vượt qua cơn “khát”.

Sẻ chia từng giọt nước

Cứ vào mùa khô hằng năm, mọi sinh hoạt của gia đình anh Võ Thanh Bình ở thôn 4 (xã Hòa Lễ) lại bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Để có nước nấu ăn, uống, các thành viên trong gia đình thay nhau đi xin nước của các hộ dân trong vùng. Năm 2015, anh quyết định gom góp tiền và vay mượn thêm để khoan giếng sâu 50 m với kinh phí 15 triệu đồng. Vào đầu mùa khô năm 2016, khi hầu hết các giếng đào của bà con trong thôn đã cạn kiệt, anh Bình lại sẻ chia nguồn nước của gia đình mình cho những ai có nhu cầu. Hơn nữa, khi được chính quyền địa phương vận động, anh đã chấp thuận để giếng nước nhà mình trở thành điểm cung cấp nước sạch cho bà con. “Mình có điều kiện hơn thì sẵn sàng giúp đỡ cho người khác vượt qua khó khăn, các hộ dân trong vùng đều là hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau”, anh Bình bộc bạch. Được biết, UBND xã đã trích ngân sách đầu tư mua một bồn chứa nước có dung tích 1.000 lít và hỗ trợ tiền điện 400.000 đồng /tháng để gia đình anh có thêm điều kiện cung cấp nước thường xuyên cho các hộ. Theo chị Võ Thanh Lộc, một người dân trong thôn, nhà chị cũng có giếng nhưng mùa khô năm nay đã khô cạn, cũng may có điểm cấp nước sinh hoạt của nhà anh Bình nên giảm bớt nỗi lo thiếu nước.

Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cùng chính quyền địa phương kiểm tra giếng đào và việc chia sẻ nguồn nước cho người dân của gia đình anh Nguyễn Văn Bảo (thôn 4, xã Yang Reh).
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cùng chính quyền địa phương kiểm tra giếng đào và việc chia sẻ nguồn nước cho người dân của gia đình anh Nguyễn Văn Bảo (thôn 4, xã Yang Reh).

Mới chuyển vào sinh sống ở buôn Yang Reh (xã Yang Reh) giữa năm 2015, đến đầu mùa khô năm 2016, gia đình chị Ngô Thị Thanh Nguyệt phải trải qua những ngày vất vả vì không có nước sinh hoạt nên đã đầu tư 7 triệu đồng đào giếng. Chị Nguyệt tâm sự: “Bà con dân tộc thiểu số trong buôn phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đào giếng hoặc vét lại giếng nên rất nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt, trong khi giếng nhà mình có nước nên chia sẻ cho mọi người. Nghĩ vậy, tôi xây thêm một bể chứa, bơm đầy nước để những hộ lân cận có nhu cầu thì đến lấy về dùng”. Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Bảo ở thôn 4 (xã Yang Reh) cũng sẵn lòng chia sẻ nguồn nước giếng cho hàng xóm…

Tìm cách giúp dân

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Bông, toàn huyện hiện có trên 3.000 hộ đang thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các xã: Yang Reh, Ea Trul, Khuê Ngọc Điền, Cư Kty, Hòa Thành, Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Đrăm, Yang Mao, Hòa Tân. Nguyên nhân là do trong năm 2015, lượng mưa đạt thấp chỉ bằng 83% mức trung bình nhiều năm trước. Đến thời điểm này trên địa bàn huyện vẫn chưa có mưa nên lượng nước ngầm tụt giảm khiến nhiều giếng đào của người dân có độ sâu từ 10-20 m đã khô cạn. Hơn nữa, do một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã hư hỏng, xuống cấp như các công trình ở xã Yang Mao, Cư Đrăm, Hòa Lễ nên không đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Trước tình trạng trên, các cấp chính quyền cố gắng tìm giải pháp giúp người dân có đủ nước dùng, như: nạo vét, đào sâu thêm các giếng nước đã khô cạn; vận động các hộ có giếng còn nước chia sẻ nguồn nước cho các hộ trong vùng; tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý; chỉ đạo tăng cường quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không để xảy ra trường hợp lấy nước tự do trước đồng hồ sử dụng vào các mục đích khác. Trước đó, trong năm 2014 và 2015, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ khoan 12 giếng, đấu nối mở rộng đường ống một số công trình góp phần hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt. UBND các xã Hòa Lễ, Hòa Thành đã hỗ trợ 129 triệu đồng phục vụ việc khoan, nạo vét giếng, mua bồn chứa nước, hỗ trợ tiền điện bơm nước hằng tháng;  Xã Cư Pui được huyện hỗ trợ 160 triệu đồng cùng với 130 triệu đồng từ ngân sách xã để hỗ trợ khoan 9 giếng và mua sắm hệ thống máy bơm nước, bồn chứa giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Nhờ vậy, 6 thôn, buôn vùng dân di cư tự do gồm Ea Rớt, Ea Lang, Cư Rang, Cư Tê, Ea Uôl, Ea Bar đều không thiếu nước sinh hoạt.

Ông Hồ Đức Hoàng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho biết: Trước tình trạng khô hạn kéo dài như hiện nay, dự kiến đến đầu tháng 6-2016, toàn huyện sẽ có trên 5.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Huyện đã xây dựng kế hoạch chống hạn thời gian tới, tập trung thực hiện các biện pháp như khắc phục hư hỏng đầu mối công trình cấp nước sinh hoạt xã Yang Reh, khoan 10 giếng, lắp đặt máy bơm, bồn chứa… cho người dân tại các thôn, buôn đang thiếu nước trầm trọng, xây dựng các điểm lấy nước tập trung và hỗ trợ bồn chứa nước để người dân chở nước phục vụ sinh hoạt, lắp đường ống dẫn nước từ suối buôn Krông về cầu thôn 3 (xã Ea Trul) để cấp nước cho người dân… với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Do vậy, ngoài 529 triệu đồng từ ngân sách địa phương, huyện Krông Bông đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí 4,4 tỷ đồng để triển khai các giải pháp trên. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, huyện cũng mong muốn người dân trên địa bàn tiếp tục phát huy truyền thống  “Tương thân tương ái” để giúp nhau vượt qua cơn “khát”.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.