Multimedia Đọc Báo in

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk: Nỗ lực vượt khó, khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi

17:29, 29/01/2017

Tháng 5-2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định  phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thay thế Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 6-11-2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk được giao quản lý 308/771 công trình thủy lợi toàn tỉnh, chủ yếu phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi đã thực sự có chủ, an ninh trật tự được bảo đảm, việc điều tiết, bảo trì, phát dọn các công trình cũng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do đa số các công trình thủy lợi nói trên đã xây dựng hơn 20 năm trước lại không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên bị xuống cấp nghiêm trọng, các cống xả hư hỏng, lòng hồ bị bồi lắng… Do đó, việc tích nước vào mùa mưa không đạt dung tích thiết kế, kênh mương xuống cấp nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực tưới tiêu của các công trình. Bên cạnh đó, nhiều công trình bị người dân lấn chiếm hành lang an toàn và vùng phụ cận để trồng cây lâu năm, gieo sạ trong lòng hồ, đào ao nuôi cá, trồng cây ngay chân đập, tôn cao vùng phụ cận thượng lưu để trồng tiêu, vứt rác xuống kênh gây cản trở dòng chảy... Điển hình như hồ Chế Biến, hồ Ea Brơ I, xã Pơng Drang; hồ Buôn Thía, xã Cư Né; hồ Phú Khánh, xã Tân Lập (huyện Krông Búk) bị người dân lấn chiếm trồng cà phê trên mái thượng hay hồ Đạt Lý, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột  bị mất cắp thiết bị điện… Trước thực trạng đó, Công ty đã nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương xử lý, ngăn chặn các vi phạm, tuy nhiên do quá trình lấn chiếm xảy ra từ lâu và kéo dài nên việc khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số công trình đã bị hư hỏng nặng như đập Phù Mỹ, huyện Ea H’leo cần tu bổ, bảo dưỡng nhưng bị người dân ngăn cản do vướng đền bù mà địa phương chưa giải quyết được.

Hồ chứa Ea Bông, huyện Krông Ana.
Hồ chứa Ea Bông, huyện Krông Ana.

Sản phẩm chủ yếu hằng năm của Công ty là diện tích tưới tiêu cho nông nghiệp và cấp nước nuôi trồng thủy sản. Khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ lũ lụt cao thì đơn vị cắt cử công nhân túc trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, báo cáo sự cố cho lãnh đạo Công ty có hướng xử lý kịp thời nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập và vùng hạ du. Mặc dù thời tiết những năm qua có nhiều biến động bất thường, hạn hán xảy ra thường xuyên, cả vào mùa mưa, lũ xuất hiện dày hơn nhưng các công trình đã vượt qua các trận lũ lớn an toàn. Năm 2016, do ảnh hưởng của El Nino, Đắk Lắk xảy ra hạn hán nặng nhất trong 30 năm trở lại đây. Điển hình là trong tháng 5-2016, mực nước tại các hồ xuống thấp, thậm chí nhiều hồ xuống đến mực nước chết, hạn nặng xảy ra đồng loạt trên diện rộng. Trước tình trạng cấp bách đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch bảo trì hệ thống, vận hành, điều tiết nước tại từng công trình, xây dựng trạm biến áp, trạm bơm tại xã Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lắk), Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, Ea Kar), lắp đặt hệ thống xi phông ngược chuyển nước từ hồ Phú Khánh (huyện Krông Búk) về đập dâng Buôn Tring, chống hạn cho gần 225 ha cây trồng xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ)… Nhờ những giải pháp tích cực đó, năm 2016, Công ty đã hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra, diện tích mất trắng chỉ 26 ha/83.000 ha cây trồng các loại do đơn vị phục vụ.

Tràn xả lũ của hồ chứa Krông Búk Hạ, huyện Krông Pắc . Ảnh:  T. Nguyễn
Tràn xả lũ của hồ chứa Krông Búk Hạ, huyện Krông Pắc . Ảnh: T. Nguyễn

Ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chỉ tập trung cho nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo công trình hoạt động an toàn. Tuy nhiên, nhiều công trình xuống cấp đòi hỏi kinh phí duy tu, bảo trì lớn, nhưng nguồn kinh phí hằng năm phân bổ cho đơn vị quá eo hẹp, khoảng 20 tỷ đồng cho 308 công trình nên việc sửa chữa chỉ mang tính chất chắp vá, chưa xử lý triệt để các hư hỏng hiện có. Cùng với đó, một số người dân chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà xâm lấn lòng hồ, chân đập, đe dọa sự an toàn của các công trình. Do đó, các địa phương cần quan tâm hơn đến việc xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trên. Những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Công ty tập trung toàn bộ lực lượng cho công tác phát dọn, duy tu, khai thông dòng chảy để phục vụ tốt cho vụ đông xuân 2016-2017.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.