Multimedia Đọc Báo in

Lợi ích khi hợp tác xã tìm đến doanh nghiệp

08:35, 20/12/2017

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mối liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào và đầu ra.

Để duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) đã xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp để cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. HTX hiện có 25 thành viên góp vốn và 350 thành viên liên kết, sản xuất 450 ha lúa, cà phê, mía tại các xã Cư Kty, Hòa Tân, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn và Hòa Lễ. Nhằm hỗ trợ các thành viên trong việc đầu tư sản xuất, đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng dịch vụ phân bón, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm, không lãi suất. Do đó, dù không có vốn, người dân vẫn chủ động trong việc sản xuất, chăm sóc vườn cây, đến khi có sản phẩm thu hoạch mới phải thanh toán chi phí. Bên cạnh đó, HTX ký hợp đồng cung ứng mía nguyên liệu cho các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh, với sản lượng 10.000 - 20.000 tấn/năm, giá tối thiểu 800 đồng/kg kể cả khi giá thị trường xuống thấp hơn.

 Vườn cà phê của HTX  sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi,  huyện  Krông Năng.
Vườn cà phê của HTX sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi, huyện Krông Năng.

HTX sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (xã Ea Púk, huyện Krông Năng) hiện có 227 thành viên, canh tác 360 ha cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, FLO tại các xã Ea Tam và Ea Púk. Với sản lượng cà phê bình quân hằng năm đạt 1.300 tấn, trước đây đơn vị thường xuyên phải loay hoay với bài toán tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Từ năm 2014, HTX đã liên kết với các nhà rang xay, xuất khẩu cà phê để tiêu thụ sản phẩm với giá tối thiểu là 40,5 triệu đồng/tấn và hỗ trợ thêm 9,6 triệu/tấn tiền phúc lợi. Như vậy, với mỗi tấn cà phê nhân, HTX đã bán được giá hơn 50 triệu đồng, cao hơn giá thị trường khoảng 10 triệu đồng/tấn. Nhờ đó, thu nhập của thành viên được cải thiện đáng kể, bà con yên tâm gắn bó với HTX và có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn cây theo quy trình kỹ thuật sản xuất bền vững.

Trong năm 2018, có 4 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, kỹ năng quản trị kinh doanh, vay vốn, công nghệ sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, cà phê và ca cao Đắk Lắk cũng được Trung ương đưa vào Đề án tổng thể phát triển 20 chuỗi giá trị HTX trên địa bàn cả nước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 399 HTX thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vận tải, thương mại – dịch vụ, xây dựng và quỹ tín dụng nhân dân. Thời gian qua, nhiều HTX đã liên kết với đối tác trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, có 20 HTX sản xuất cà phê liên kết với doanh nghiệp rang xay, xuất khẩu để sản xuất cà phê có chứng nhận quốc tế như: 4C, UTZ Certifed, RFA, Fairtrade. Nhờ đó, hơn 30% diện tích cà phê toàn tỉnh đã được cấp chứng nhận, đồng thời, từng bước hình thành được chuỗi giá trị sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Trong ngành rau, củ, quả, 10 HTX hợp tác với nhà phân phối trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm theo Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Điều này đem lại lợi ích lâu dài cho cả nông dân, HTX và doanh nghiệp, đồng thời, ổn định thị trường một cách lâu dài cho sản phẩm của các HTX.

Mô hình chanh dây của HTX dịch vụ nông nghiệp 714, huyện Ea Kar.
Mô hình chanh dây của HTX dịch vụ nông nghiệp 714, huyện Ea Kar.

Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trong nền kinh tế thị trường, các HTX sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận và sức cạnh tranh. Để tăng thêm “sức sống” cho các HTX, thời gian qua, Trung ương và địa phương đã triển khai những mô hình hỗ trợ xây dựng sản phẩm HTX gắn với chuỗi giá trị. Tuy nhiên, bản thân các HTX cần chủ động trong việc liên kết “4 nhà” trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ở khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.