Multimedia Đọc Báo in

Lại "khát" nhân công mùa thu hoạch cà phê

08:52, 19/12/2017

Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm cà phê niên vụ 2017-2018, thế nhưng tình trạng “khát” nhân công diễn ra ở nhiều địa phương khiến người trồng cà phê lo lắng.

Những năm trước, khoảng tháng 9, tháng 10 thì lao động từ các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ngãi… lên Đắk Lắk hái thuê cà phê rất nhiều, ở các bến xe lúc nào cũng có từng tốp người mang ba lô ngồi chờ chủ vườn hay các “cò” đến thuê. Thế nhưng năm nay, đa phần người lao động ở lại tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 12 vừa qua nên lượng nhân công từ các tỉnh khác lên Đắk Lắk rất ít, không đáp ứng đủ nhu cầu trong giai đoạn cao điểm của vụ thu hoạch.

Để thu hoạch đúng thời vụ, nhiều công ty cà phê trong tỉnh chọn giải pháp thuê các đơn vị bộ đội về thu hoạch còn các nông hộ đăng tin tìm nhân công trên các trang web, mạng xã hội với hy vọng kiếm được nhân công. Bà Thái Thị Hải, thôn Đắk Hà Đông, xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M'gar) cho biết, gia đình bà có hơn 2 ha cà phê đang chín rộ nhưng do không tìm được nhân công, thời tiết lại thất thường nên hiện tại lượng quả cà phê chín rụng dưới gốc rất nhiều. Do đó, hai vợ chồng bà ngày nào cũng phải lên rẫy từ sáng sớm, mang theo cơm để ăn trưa và làm việc đến tối mịt mới về để kịp thu hoạch.

Nông dân xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar thu hoạch cà phê.
Nông dân xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M'gar thu hoạch cà phê.

Lượng nhân công khan hiếm dẫn đến giá thuê bị đẩy lên cao. Theo tìm hiểu, giá thuê nhân công năm nay dao động từ 180-220 ngàn đồng/ngày (tăng 20-50 ngàn đồng so với năm ngoái), thuê theo sản phẩm khoảng 100-130 ngàn đồng/tạ cà phê tươi, nếu ở cùng gia đình thì giá cả dao động từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Theo tính toán của bà con, để thu hoạch 1 ha cà phê cần khoảng 60 công, tương đương khoảng 12- 13 triệu đồng.

Tuy nhiên, năm nay nhiều nhân công lựa chọn hình thức thu hái theo sản phẩm và yêu cầu chủ vườn dẫn đến xem trước khi thuê, nếu vườn sai trái mới đồng ý. Với cách thuê này, nếu làm việc năng suất một người có thể kiếm được từ 300.000-400.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, nếu thu hoạch theo phương pháp thu khoán này thì vườn cà phê sẽ bị ảnh hưởng đến những niên vụ sau.

Chị H’Hằng Buôn Drap (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) cho biết, những năm trước, đa phần gia đình chị đều tính công theo sản phẩm (bình quân 50.000 đồng/bao) nhưng năm nay thời tiết nắng mưa trong ngày bất thường, nếu tính công theo sản phẩm người hái sẽ chạy đua theo sản lượng làm gãy, nứt cành, tạo điều kiện cho dịch bệnh tấn công làm ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng cà phê niên vụ sau nên gia đình chuyển sang thuê công theo ngày bất chấp việc thu hái đứt đoạn do thời tiết mưa nắng thất thường. Nhân công khan hiếm trong khi nhu cầu của người trồng cà phê lớn nên ngoài việc nấu cơm trưa theo thỏa thuận thì gia đình còn chuẩn bị đồ ăn nhẹ giữa buổi hay mời cơm những ngày mưa, tạo mối quan hệ thân thiết để người được thuê thu hoạch cà phê bảo đảm hơn.

Nông dân xã Đắk Phơi, huyện Lắk thu hoạch  cà phê.
Nông dân xã Đắk Phơi, huyện Lắk thu hoạch cà phê.

Niên vụ 2017-2018, diện tích cà phê  kinh doanh toàn tỉnh gần 190.000 ha, năng suất bình quân khoảng 2,387 tấn/ha, sản lượng khoảng 452.900 tấn. Mùa thu hoạch thường chỉ kéo dài trong khoảng 2 tháng nên nông dân cùng lúc phải làm một khối lượng công việc lớn gồm: quản lý vườn cây, nhân công, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản... Đây là lượng công việc rất lớn diễn ra cùng một lúc, trong khi đó nguồn nhân lực lại khan hiếm, nhiều nông hộ lo lắng không thu hoạch kịp, cà phê bị mất trộm nên đã thu hái cà phê chưa đạt độ chín. Chính việc thu hái cà phê xanh nên nhân chưa đạt, cần thời gian phơi sấy nhiều hơn trong khi đó thời tiết lại không thuận lợi khiến tỷ lệ hạt đen, lỗi nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê cả niên vụ.

Do đó, để chuẩn bị tốt cho việc thu hoạch, ngay từ đầu niên vụ 2017-2018, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18 về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê. Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, bảo đảm tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 95% đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê xanh, cà phê non.

Tại hội nghị sơ kết công tác tháng 11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Vì vậy, từ đầu vụ thu hoạch, Chủ tịch đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê để nông dân yên tâm thu hoạch, bảo đảm chất lượng cà phê của cả niên vụ.

Thanh Huyền


Ý kiến bạn đọc